Bắt được tín hiệu radio từ 4 vật thể vũ trụ lạ giống đĩa bay ánh sáng
Nhóm thiên văn học quốc tế dẫn đầu bởi Đại học Western Sydney (Úc) đã trình làng những hình ảnh đầu tiên về 4 vật thể kỳ dị trên bầu trời. Cả 4 đều là những đĩa tròn ánh sáng, có cái còn có thêm "chân tay" – những dải sáng tỏa ra xung quanh, có cái còn có nhân là một thiên hà. Chúng không tương ứng với bất kỳ loại vật thể thiên văn nào đã biết.
Cận cảnh hình ảnh được "vẽ" bằng sóng radio về các vật thể lạ - (ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).
Tất cả chúng đều phát ra tín hiệu radio (vô tuyến), nên 3 trong số đó đã được kính viễn vọng Pathfinder Kilomet Array (ASKAP) chuyên "nhìn" vào sóng radio bắt được.
Cái còn lại – ORC 4 được phát hiện bởi Kính viễn vọng vô tuyến MetreWave khổng lồ (GMRT) đặt tại Ấn Độ. Đây là vật thể duy nhất có nhân là một thiên hà.
Hình ảnh vẽ bằng sóng radio của ORC 1 - (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp).
Cả 4 cái đều không có bất kỳ bước sóng quang học, hồng ngoại hay tia X nào. Các tác giả tin rằng những chiếc "đĩa bay ánh sáng" này thực ra có hình cầu, có thể đến từ một sự kiện vũ trụ thoáng qua. Các sự kiện có thể tạo ra sóng xung kích hình cầu được tính đến bao gồm chớp sóng vô tuyến, vụ nổ tia gamma, sáp nhập sao neutron… Tuy nhiên với hiện trạng của các vật thể lạ, sự kiện đó nếu có sẽ phải xảy ra trong một quá khứ cực kỳ xa xôi.
Cũng có thể các vật thể lạ đại diện cho một hình thức mới của một hiện tượng đã biết, ví dụ như luồng phản lực phun ra từ thiên hà vô tuyến.
Tuy nhiên, không có dữ liệu nào hoàn toàn trùng khớp, nên họ tin rằng các vật thể lạ này phải đại diện cho thứ gì đó nhiều hơn là một hiện tượng. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục điều tra bản chất của các đối tượng thiên văn nói trên.
- Những điều thú vị về con sam biển
- Tại sao nhà vô địch ăn nhanh có thể "xơi" 74 chiếc xúc xích trong 10 phút?
- Ca mổ đầu tiên tách song sinh dính liền trên thế giới diễn ra thế nào?