Bất ngờ phát hiện núi băng khổng lồ trên sao Diêm Vương
Phân tích các hình ảnh phân giải cao gửi về Trái đất, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã bị sốc khi phát hiện một núi băng khổng lồ trên sao Diêm Vương. Các bức ảnh này do tàu vũ trụ New Horizons vừa chụp được.
- Biển sâu có thể được tìm thấy trên Sao Diêm Vương
- 5 bí ẩn về sao Diêm Vương
NASA phát hiện núi băng khổng lồ trên sao Diêm Vương
Núi băng này cao đến 3.350 mét. Mặt khác, bên dưới bề mặt sao Diêm Vương vẫn đang diễn ra hoạt động địa chất. Các nhà khoa học dự đoán núi băng hình thành cách đây khoảng 100 triệu năm và có thể còn đang trong quá trình kiến tạo.
Hình ảnh phân giải cao bề mặt sao Diêm Vương - (Ảnh chụp màn hình NASA)
Tương tự như phần còn lại của sao Diêm Vương, vùng núi này liên tục hứng chịu các vụ va chạm với thiên thạch trong không gian. Quá trình này đã diễn ra hàng tỉ năm và trong quá khứ từng có một vụ va chạm lớn.
Thành phần cấu thành của các ngọn núi trên sao Diêm Vương chủ yếu là băng. Đây được xem là thiên thể đầu tiên mà các nhà khoa học quan sát có phần lớn bề mặt là băng và không thuộc quỹ đạo của hành tinh nào.
Tàu vũ trụ New Horizons - (Ảnh chụp màn hình NASA)
Tàu New Horizons chụp được các bức ảnh khi còn cách bề mặt sao Diêm Vương khoảng 770.000 km. Khoảng 90 phút sau đó, New Horizons tiếp tục hạ thấp độ cao xuống khoảng cách gần nhất từ trước đến nay. Những hình ảnh chụp được lúc này sẽ giúp NASA xác định chính xác các cấu trúc nhỏ hơn khác trên bề mặt sao Diêm Vương.
Đồng thời, các nhà khoa học còn nhận được từ New Horizons nhiều hình ảnh khác về các mặt trăng Hydra và Charon của sao Diêm Vương.
Họ phát hiện những vách đá và vết nứt địa chất kéo dài khoảng 1.000 km trên bề mặt Charon, có nơi sâu từ 7 đến 9 km. Đây có thể là hệ quả của quá trình biến đổi bên trong mặt trăng.
Nhiều dữ liệu hiện vẫn còn nằm trong bộ nhớ của tàu New Horizons và dự kiến sẽ sớm được truyền về Trái đất. NASA sẽ dành 16 tháng để phân tích dữ liệu cũng như công bố các hình ảnh và quan sát khoa học thu thập được.