Bất ngờ phát hiện xác ướp thiếu nữ 3.600 năm chôn cùng của hồi môn
Các nhà khảo cổ học tìm thấy xác ướp thiếu nữ trong quan tài chứa đầy báu vật cổ đại được cho là của hồi môn, ở gần thành phố Luxor.
Nhóm nghiên cứu đến từ dự án Djehuty của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Cấp cao (CSIC) Tây Ban Nha, tìm thấy xác ướp thiếu nữ trong một nghĩa trang 3.500 năm tuổi hồi đầu năm nay. Quan tài nằm trên ngọn đồi mang tên Dra Abu el-Naga cách không xa Luxor ngày nay. Ở thời cổ đại, đây là thành phố Thebes, thủ đô của Ai Cập thời Trung Vương quốc và Tân Vương quốc. Khu vực này nổi tiếng với nhiều tàn tích và di chỉ khảo cổ.
Đồ trang sức tìm thấy trong quan tài. (Ảnh: CSIC).
Phát hiện nằm trong đợt khai quật thứ 19 tại nghĩa trang từng là nơi mai táng của 3 pharaoh ở Vương triều thứ 17. Quan tài chứa xác ướp nằm bên cạnh một nhà thờ xây bằng gạch bùn và ngôi mộ của Djehuty, vị đại thần quản lý quốc khố và và công trình công cộng dưới thời trị vị của nữ hoàng Hatshepsut (năm 1508 -1458 trước Công nguyên), một trong những nữ pharaoh nổi tiếng dưới thời Tân Vương quốc.
Quan tài bằng gỗ hình người có thể được đóng dưới thời Vương triều thứ 17 (năm 1580 - 1550 trước Công nguyên), thời kỳ phần lớn vùng hạ Ai Cập do người Hyksos thống trị và pharaoh chỉ cai quản khu vực quanh Thebes. Cỗ quan tài vẫn nguyên vẹn với lớp sơn màu trắng.
Bên trong quan tài, nhóm nghiên cứu tìm thấy xác ướp thiếu nữ khoảng 15 - 16 tuổi, cao 1,59 cm. Những đồ vật giá trị bên cạnh xác ướp có thể là của hồi môn của cô gái. Các chuyên gia sử dụng kỹ thuật X-quang và xác định 2 chiếc nhẫn và 4 sợi dây chuyền nằm trong quan tài. Ngoài ra, xác ướp còn đeo nhẫn ở mỗi bàn tay và khuyên tai.
Số của hồi môn bao gồm 4 sợi dây chuyền đặt cẩn thận trên ngực thiếu nữ. Hai trong số đó làm từ những hạt sứ sáng bóng màu xanh dương. Sợi thứ ba kết từ các hạt gốm xanh dương và xanh lá cây. Jose Manual Galán, nhà nghiên cứu của CSIC, nhận xét đó là vật tinh xảo và quý giá nhất trong số đồ khai quật. Sợi dây chuyền bao gồm 75 mẩu đá bán quý và một số bùa hộ mệnh, một trong số đó có biểu tượng của thần Horus.
Số trang sức hồi môn của cô gái là ví dụ của trình độ thủ công tinh tế, cho thấy người Ai Cập cổ đại có thể tạo ra tác phẩm tuyệt đẹp ngay cả khi phần lớn vương quốc nằm dưới sự thống trị của ngoại bang.
Ngoài quan tài này, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy hàng chục chiếc quan tài khác nằm chỏng chơ trên nền đất. Họ đặt giả thuyết quan tài của cô gái trẻ và số quan tài còn lại bị những kẻ cướp mộ bỏ lại để chạy trốn khi bị bắt quả tang. Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục xem xét kỹ hơn về chiếc quan tài và địa điểm tìm thấy để hiểu rõ hơn về đời sống dưới thời Vương triều thứ 17.