Báu vật của dãy Trường Sơn: Loài động vật cực kỳ quý hiếm cả thế giới chỉ 2 nước có, IUCN khẩn cấp bảo vệ!
Sách Đỏ IUCN kêu gọi bảo vệ loài động vật này khẩn cấp bởi chúng có nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn trong tự nhiên.
Loài động vật được Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phân hạng CR - Cực kỳ nguy cấp năm 2021 này chính là Trĩ sao Việt Nam (danh pháp khoa học: Rheinardia ocellata).
Hình ảnh trĩ sao Việt Nam (con trống). (Nguồn: Fletcher & Baylis/Arkive).
Theo Sách Đỏ IUCN, trĩ sao Việt Nam chỉ sinh sống tại 2 quốc gia trên thế giới đó là Việt Nam và Lào. Loài này chủ yếu được tìm thấy dọc theo dãy Trường Sơn đoạn phân chia Lào và Việt Nam; cùng với các dãy núi khác ở miền Trung và miền Nam Việt Nam; và các khu rừng thường xanh ẩm ướt ở các vùng núi cao của Lào.
Do loài động vật này đang đứng trước một nguy cơ cực kỳ lớn sẽ bị tuyệt chủng hoàn toàn ngoài thiên nhiên trong một tương lai gần, nên trĩ sao Việt Nam được xem là "báu vật" của dãy núi Trường Sơn nói riêng và thế giới nói chung. Dãy Trường Sơn cao hơn 2.700 mét là một trong những khối núi lớn nhất thế giới, đồng thời là dãy núi dài nhất tại Việt Nam.
Trĩ sao Việt Nam sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp, duyên dáng. Loài này thuộc chi chim lớn giống như chim công trong họ chim Trĩ với bộ lông nhìn chung là đen và nâu sẫm có đốm như sao, mỏ hồng đậm, mống mắt nâu và da xanh quanh mắt.
Chim trống cao 190-239 cm, chim mái cao 74-75 cm. Chim trống trưởng thành nổi bật với chiếc đuôi khổng lồ gồm 12 lông vũ, trong đó lông đuôi trung tâm dài gấp 5 lần cặp lông ngoài cùng. Trong khi đó, chim mái nhỏ hơn, đuôi ngắn hơn. Con trống có vẻ ngoài không thể nhầm lẫn được, với mào trắng dài có thể phồng ra và con mái có hoa văn đầu đặc biệt (nâu hơn và xỉn màu hơn con trống, với mào ngắn hơn) và phần trên có sọc.
Ngoài tiếng gáy, chim trĩ sao Việt Nam trống thường dùng bộ lông lớn của mình để gây ấn tượng với con mái trong mùa sinh sản.
Hình ảnh trĩ sao Việt Nam trống. (Ảnh: Francesc Jutglar/Birdsoftheworld).
Hình ảnh trĩ sao Việt Nam mái. (Ảnh: Francesc Jutglar/Birdsoftheworld).
Loài chim này ăn tạp. Thức ăn chúng tiêu thụ là các loại lá cây khác nhau, quả mọng, ấu trùng, động vật lưỡng cư, côn trùng khác và ếch nhỏ.
Loài trĩ sao Việt Nam cư trú trong rừng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh từ mực nước biển lên đến 1.500 mét và từ 1.700 mét đến 1.900 mét trên Cao nguyên Đà Lạt. Mật độ cao nhất là tại các khu rừng rừng nguyên sinh ẩm cao khoảng 900 mét.
Sách Đỏ IUCN không đưa ra số lượng cá thể cụ thể trong tự nhiên, tuy nhiên IUCN nhấn mạnh, mặc dù phạm vi sinh sống vẫn còn lớn, nhưng người ta nghi ngờ mạnh mẽ rằng quần thể đã bị suy giảm đáng kể và vẫn đang suy giảm cực kỳ nhanh chóng. Vườn quốc gia Bạch Mã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế được biết đến là một địa điểm mà loài này phổ biến, nhưng dường như cũng đã biến mất hoàn toàn ngoài tự nhiên trong thập kỷ qua.
2 mối đe dọa lớn của trĩ sao Việt Nam
Theo các chuyên gia quốc tế, mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với loài trĩ sao Việt Nam bắt nguồn từ mức độ săn bắt cao, chủ yếu thông qua việc sử dụng bẫy. Loài này bị săn bắt chủ yếu để lấy thịt, nhưng cũng để làm thú cưng.
Đặc biệt là ở các khu rừng đất thấp trên khắp Việt Nam và Lào, nạn bẫy thú đã gia tăng rất nhiều kể từ đầu những năm 2000. Làn sóng bẫy "cấp độ công nghiệp" gần đây nhất đã diễn ra trên khắp các khu vực rừng của miền Trung Việt Nam và Lào.
Hình ảnh trĩ sao Việt Nam lấy từ bẫy ảnh. (Ảnh: Paul Sweet/Birdsoftheworld).
Hiện tại, các khu vực ở phía nam dãy Trường Sơn được cho là đang phải chịu làn sóng bẫy này và đây có thể là nơi có sự suy giảm nhanh nhất hiện nay. Trước đây, phía nam dãy Trường Sơn là khu vực cuối cùng được cho là chưa bị ảnh hưởng bởi làn sóng bẫy này.
Không có biện pháp hiệu quả nào được áp dụng để giảm mức độ bẫy thú trong phạm vi phân bố của loài, do đó, khả năng suy giảm quần thể rất có thể sẽ tiếp tục.
Mối đe dọa thứ hai đến từ việc mất môi trường sống, do nạn phá rừng gần đây để săn bắn tăng lên. Các chuyên gia phân tích, tỷ lệ mất độ che phủ rừng đã tăng lên trong giai đoạn 2003-2020. Nếu tỷ lệ này tiếp tục, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2033, tổng diện tích rừng mất đi trong phạm vi của loài sẽ là 21,4%.
Kể từ khi được mô tả lần đầu tiên trên thế giới vào đầu thế kỷ 20 đến nay, và mặc dù được coi là khá nhiều cho đến vài thập kỷ trước, loài chim trĩ này hiện rất hiếm trên khắp vùng phân bố của nó và quần thể của chúng dường như đang suy giảm gần như không thể tránh khỏi. Chính vì thế, loài chim trĩ sao Việt Nam đã trở nên cực kỳ khó tìm.
Để tránh nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn ngoài tự nhiên, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đề xuất các hành động bảo tồn nhằm bảo toàn đa dạng loại ở Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung, bao gồm: Thực thi nghiêm ngặt các quy định về săn bắt tại các khu vực được bảo vệ; Kết hợp với các sáng kiến nâng cao nhận thức về bảo tồn có mục tiêu tại địa phương; Khảo sát môi trường sống phù hợp ở Lào và Việt Nam để làm rõ sự phân bố hiện tại và đánh giá mức độ phong phú của loài.