Bệnh Alzheimer có tính di truyền?
Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, nếu cha hoặc mẹ mắc bệnh Alzheimer thì con cái của họ sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
Những người sinh ra trong gia đình có tiền sử mắc bệnh Alzheimer có nguy cơ
mắc bệnh này cao hơn. (Ảnh minh họa)
Trang Physorg dẫn lời của Robyn Honea, thuộc trường Y đại học Kansas (Mỹ), cho biết những người mà trong gia đình có tiền sử mắc bệnh Alzheimer thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 4 đến 10 lần so với những người mà gia đình không ai mắc bệnh.
Các nhà khoa học từ đại học Kansas nghiên cứu 53 người mắc bệnh mất trí nhớ trên 60 tuổi trong hai năm, trong đó 11 người có mẹ, 10 người có cha mắc bệnh Alzheimer và 32 người gia đình không có tiền sử mắc bệnh Alzheimer. Tất cả họ được quét não và kiểm tra quá trình nhận thức.
Kết quả cho thấy, những người có mẹ bị Alzheimer có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với những người cha và mẹ không mắc bệnh. Ngoài ra, những người có mẹ mắc Alzheimer bị teo một nửa não sớm hơn một năm so với những người có cha bị căn bệnh này. Cũng cần giải thích thêm là, hẹp não và teo não gắn liền với bệnh Alzheimer.
Ông Honea cho biết: “Sử dụng phương pháp lập bản đồ 3-D, chúng tôi có thể quan sát các vùng não bị ảnh hưởng ở những người có cha hoặc mẹ mắc bệnh. Ở những người có tiền sử gia đình bị bệnh có sự khác biệt về sự suy nhược của não bộ so với những người không có. Biết được tính di truyền của căn bệnh này sẽ giúp chúng ta đưa ra biện pháp phòng chống và điều trị tốt hơn”.