Bí ẩn "cao nguyên lửa" trỗi dậy ở Thái Bình Dương
Dọc theo rìa Đông Bắc Thái Bình Dương là một dải cao nguyên ngầm có diện tích gần bằng nước Anh, "nghĩa địa" của các rạn san hô chết và đảo thất bại.
Công trình dẫn đầu bởi nhà địa chất Kevin Konrad từ Đại học Nevada (Mỹ) đã tìm ra nguồn gốc phức tạp của Cao nguyên Biên giới Melanesia (MBP), một "cao nguyên lửa" có diện tích lên đến 222.000km2 bên dưới Thái Bình Dương.
Cao nguyên lửa MBP tiết lộ một quá trình quan trọng trong quá trình phát triển địa chất của hành tinh - (Ảnh: ĐẠI HỌC NEVADA).
Từ lâu, các cấu trúc thượng tầng núi lửa như MBP được cho là hình thành từ một sự kiện núi lửa khốc liệt duy nhất.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy nó có lịch sử phức tạp hơn nhiều và có thể giúp nhân loại hiểu thêm về cách địa cầu đã hình thành.
Theo Science Alert, việc nạo vét vật liệu của "cao nguyên lửa" cho thấy nó có phần "xương đá" được tạo nên bởi magma nguội, được giải phóng vào khoảng 122-83 triệu năm trước, một giai đoạn thuộc kỷ Phấn Trắng.
Phân tích sâu hơn, các nhà khoa học nhận thấy có tổng cộng 25 cấu trúc núi lửa riêng biệt chịu trách nhiệm cho toàn bộ lịch sử của nó.
Sự kiện đầu tiên của kỷ Phấn Trắng là do một chùm manti ở Nam Thái Bình Dương gọi là điểm nóng Louisville. Chùm manti là sự dâng lên của một khối đá nóng bất thường bên trong Trái đất.
Khoảng 45 triệu năm sau, điểm nóng Rurutu-Arago xuất hiện, chứng kiến sự trỗi dậy của các hòn đảo và núi ngầm mới. Thời gian sẽ kéo chúng xuống vực sâu, nhưng gốc rễ của chúng đã góp phần tạo nên nền cấu trúc của cao nguyên nửa.
Điểm nóng thứ ba, chịu trách nhiệm cho quần đảo Samoa ngày nay, kích hoạt lại sự hình thành của núi ngầm, đảo và một đợt hoạt động núi lửa mới khoảng 20 triệu năm trước.
Điểm nóng Samoa ngày nay vẫn còn hoạt động, tạo ra những hòn đảo mới.
Ngoài ra, sự biến dạng của lớp vỏ Trái đất do kiến tạo mảng tiếp tục định hình lại cao nguyên lửa. Điều này cũng có nghĩa cao nguyên này sẽ tiếp tục biến đổi, phát triển trong tương lai.
Những phát hiện này vừa công bố trên tạp chí Earth and Palnetary Science Letters, đưa ra bức tranh chi tiết hơn về cách các cấu trúc khổng lồ dưới nước hình thành, cho thấy các đặc điểm bên dưới đại dương của hành tinh có thể phức tạp đến chừng nào.
Ngoài ra, hoạt động địa chất chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho thế giới của chúng ta là một thế giới thân thiện với sự sống.
Hiểu thêm về cách các cấu trúc chi tiết của nó được hình thành cũng là cách để các nhà khoa học biết được để có được một hành tinh thân thiện và phong phú như Trái đất, chúng ta cần những gì.