Bí mật đằng sau đứa trẻ bị ướp xác nhiều thế kỷ trước ở Áo
Trong nhiều thế kỷ qua, hầm mộ của một trong những gia đình quý tộc lâu đời nhất ở Áo vẫn lưu giữ một bí mật bi thảm.
Một cậu bé, có lẽ không quá 1 hoặc 2 tuổi, chết không phải vì thiếu ăn hay bị thương, mà do không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Xác ướp đứa trẻ trong chiếc áo khoác bằng lụa. (Ảnh: Nerlich).
Cậu bé đã chết vào khoảng giữa thế kỷ XVI và thế kỷ XVII, được ướp xác và chôn trong hầm mộ của gia đình Bá tước Starhemberg. Mặc dù các bộ phận của cơ thể đã khô héo nhưng vẫn đầy đủ và được bọc trong một chiếc áo lụa cầu kỳ.
Nhưng dù sống trong nhung lụa như vậy, rõ ràng cuộc sống ngắn ngủi của cậu bé cho thấy cậu không hề khỏe mạnh.
Một cuộc khám nghiệm tử thi bằng phương pháp chụp CT đã phát hiện ra các dị tật ở xương sườn giống với dấu hiệu suy dinh dưỡng đặc trưng của thời bấy giờ, đó là thiếu vitamin D, ngày nay chúng ta gọi là bệnh còi xương. Tình trạng này thường dẫn đến hiện tượng chân vòng kiềng, một đặc điểm không có biểu hiện rõ rệt trong xương của cậu bé.
Để kiểm tra toàn diện hơn, các nhà nghiên cứu xem xét đến khả năng thứ hai, đó là thiếu hụt vitamin C dẫn đến bệnh scurvy (hay còn gọi là bệnh scorbut). Mặc dù các biến dạng ở xương sườn của cậu bé không hoàn toàn trùng khớp với biểu hiện của bệnh thiếu hụt vitamin C hay thiếu vitamin D, nhưng do có những biểu hiện chung của cả hai khả năng nên các nhà nghiên cứu quyết định điều tra kỹ hơn.
Phân tích mô mỡ cho thấy đứa trẻ này khoảng 10 đến 18 tháng tuổi, bị thừa cân so với tuổi, ít nhất là so với những đứa trẻ khác ở thời điểm đó. Các nhà nghiên cứu cho rằng đứa trẻ được ăn uống đầy đủ, vậy thì khả năng thiếu hụt vitamin C khó có thể xảy ra.
Nhưng vitamin D thì khác. Nó hầu như không được cơ thể hấp thụ từ thức ăn mà được tạo ra trong da qua các phản ứng hóa học phụ thuộc vào bức xạ tia cực tím. Từ đó các nhà nghiên cứu suy ra đứa trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng không phải vì thiếu ăn mà do thiếu ánh sáng mặt trời.
Vitamin D vô cùng quan trọng đối với việc hình thành xương trong giai đoạn sơ sinh và ít tuổi, nó còn giúp cho cơ thể hấp thụ canxi và phosphorous tốt hơn trong suốt cuộc đời.
Ảnh cận cảnh của đứa trẻ với bàn tay đặt trên bụng. (Ảnh: Nerlich).
Nhà nghiên cứu bệnh học Andreas Nerlich của Trường đại học Munich, Đức, giải thích rằng sự kết hợp giữa béo phì và thiếu hụt vitamin trầm trọng chỉ có thể giải thích bởi tình trạng được ăn đầy đủ nhưng hầu như không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Mặc dù bệnh còi xương không phải là nguyên nhân dẫn đến cái chết, nhưng hình ảnh chụp phổi của cậu bé cho thấy các dấu hiệu của bệnh viêm phổi chết người, một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ thiếu vitamin D.
Phải đến thế kỷ XIX khi xảy ra đại dịch còi xương, các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là cần thiết cho quá trình hình thành xương. Khi đó đã quá muộn để giúp cho đứa trẻ sơ sinh nhà Starhemberg.
Đứa trẻ xấu số của nhà Starhemberg ở Áo chỉ là một đứa trẻ của một gia đình ở một vùng của châu Âu và tại một thời gian cụ thể, nhưng với việc một vài trẻ sơ sinh qua đời và được chôn cất, bảo quản kỹ càng như vậy thì khám phá này mang đến một cái nhìn sâu sắc về điều kiện sống của những đứa trẻ dòng dõi cao sang ở thế kỷ XVI và XVII.
Vào thời đó, những người quý tộc thường tìm mọi cách tránh ánh sáng mặt trời để giữ cho làn da trắng như sứ, một dấu hiệu của đẳng cấp cao trong phần lớn xã hội châu Âu. Chỉ có nông dân và người lao động khác mới có làn da rám nắng.
Ở Ý, nhiều bộ xương của trẻ em quý tộc được chôn cất trong nhà nguyện Medici ở Florence trong thế kỷ XVI và XVII cũng có dấu hiệu còi xương, cả tay và chân đều vòng kiềng. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc kéo dài thời gian ăn thức ăn lỏng mà không kịp thời chuyển sang chế độ ăn thức ăn đặc cũng làm tăng nguy cơ thiếu hụt vitamin D ở trẻ sơ sinh, dẫn đến còi xương.
Chưa thể khẳng định đứa trẻ tìm thấy trong hầm mộ ở Áo đã được cai sữa hay đã được ăn thức ăn giàu vitamin D hay chưa, nhưng chắc chắn là cậu bé được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt. Trên thực tế, lượng mỡ cao trong cơ thể đứa trẻ này có thể đã giúp bảo quản xác được tốt đến vậy. Thậm chí gần đây các nhà khoa học còn đưa ra một số bằng chứng cho thấy thiếu hụt vitamin D có liên quan đến chứng béo phì ở trẻ em. Điều đó đặt ra câu hỏi về vai trò của chế độ ăn đối với tình trạng sức khỏe của cậu bé.
Với tình trạng được chôn trong chiếc áo choàng lụa và là đứa trẻ duy nhất trong hầm mộ của gia đình, các nhà nghiên cứu cho rằng rất có thể cậu bé là con đầu lòng, được đặt tên là Gundaker, Gregor hoặc Reichard, nếu theo gia phả. Điều không may là trên quan tài không hề có một dòng chữ nào để biết rõ hơn về tên của cậu bé.
Nhà nghiên cứu Nerlich cho biết: "Đây chỉ là một trường hợp, nhưng chúng ta đã biết tỷ lệ tử vong sớm ở trẻ sơ sinh vào thời đó nói chung rất cao, và những quan sát của nhóm nghiên cứu rất có giá trị trong việc tái dựng toàn bộ cuộc đời của những đứa trẻ sơ sinh kể cả ở các tầng lớp xã hội cao thời đó".