Biển hấp thụ 22 triệu tấn CO2 mỗi ngày, chúng đang làm tan vỏ hàu, tẩy trắng san hô, đại dương bị axit hóa
60 triệu, đó là số lượng hàu trung bình có trên một rạn hàu rộng 400.000 mét vuông. Con số có thể khiến bạn thấy choáng ngợp. Nhưng sẽ còn choáng ngợp hơn nữa nếu bạn biết sự tồn tại của mỗi 1 trong số 60 triệu con hàu đó đều là kỳ tích.
Suốt cuộc đời mình, một con hàu cái sẽ đẻ khoảng 100 triệu trứng. Số lượng tinh trùng mà một con hàu đực phóng ra thậm chí còn không thể đếm được, con số có lẽ lên tới hàng chục tỷ.
Điều đặc biệt là hàu có thể luân phiên thay đổi giới tính của chúng trong suốt cuộc đời. Đôi lúc, một con hàu là hàu đực và phóng tinh vào nước. Những lúc khác, chúng là hàu cái và đẻ trứng.
Vì vậy, một rạn hàu 60 triệu con có thể sản sinh ra 6 triệu tỷ trứng và ít nhất 600 triệu tỷ tinh trùng.
Khi một tinh trùng hàu kết hợp với trứng, chúng sẽ tạo ra ấu trùng. Ấu trùng hàu ban đầu chỉ là những sinh vật thân mềm phù du có kích thước chưa tới 1 phần 20 milimet. Sự mỏng manh này khiến đa số ấu trùng hàu sẽ chết trong vòng 12 tiếng đồng hồ, kể từ khi được sinh ra.
Nguyên nhân vì ấu trùng hàu chưa xây dựng được lớp vỏ bảo vệ. Trung bình qua nửa ngày tuổi, hàu mới bắt đầu hình thành vỏ bên ngoài. Chúng kéo canxi ra khỏi nước và kết hợp những nguyên tử này với gốc cacbonat.
Đó là cách mà lớp vỏ CaCO3 của hàu được tạo thành. Mất trung bình khoảng 3 tuần bồi đắp, vỏ hàu mới đủ nặng hơn nước biển. Chúng kéo phần thân mềm của hàu chìm xuống đáy, nơi những rạn hàu tổ tiên của chúng đang chờ đợi.
Kể từ đây, sự an toàn của hàu mới được đảm bảo.
Nhưng một số nghiên cứu trong vòng 3 thập kỷ trở lại đây cho thấy những con hàu đang phải mất nhiều thời gian hơn để bồi đắp vỏ cacbonat của mình. Đó là do nước biển đang ngày càng bị axit hóa.
Mặn hơn và chua hơn, biển đang hòa tan không chỉ vỏ hàu, mà cả vỏ của nhiều loài ốc nhỏ và động vật chân đốt. Quá trình axit hóa đại dương cũng đang làm chậm sự phát triển của nhiều rạn san hô, kéo theo sự sụt giảm đa dạng của các sinh vật biển sống phụ thuộc vào hệ sinh thái của chúng.
Các nhà khoa học dự đoán nếu pH của nước biển giảm xuống đến một ngưỡng nào đó, nó có thể gây ra sự sụp đổ hàng loạt của hệ sinh thái biển. Đó là lý do tại sao họ xếp axit hóa đại dương vào một trong 9 ranh giới của hành tinh, mà nếu vượt qua mức tới hạn có thể khiến nền văn minh và sự sống trên Trái đất bị đe dọa.
Các ranh giới còn lại bao gồm: biến đổi khí hậu, tính toàn vẹn sinh quyển, sự suy giảm tầng ozone, ô nhiễm sol khí, chu trình nước, dòng sinh hóa nitơ và phốt pho, thay đổi hệ thống đất liền và sự phát thải của hóa chất mới.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao các đại dương lại bị axit hóa? Và quá trình giảm pH của nước biển sẽ để lại hậu quả như thế nào?
Nước biển đang hòa tan 22 triệu tấn CO2 mỗi ngày
Mọi chuyện bắt đầu vào thập niên 1990, khi Ulf Riebesell, một nhà sinh vật học biển người Đức bắt đầu nghiên cứu phytoplankton, một loài vi tảo sống trôi nổi trên bề mặt đại dương.
Những nhánh phytoplankton mang trong mình diệp lục có khả năng quang hợp. Chúng hút vào CO2 và nhả ra oxy dưới sự tác động của ánh sáng Mặt trời. Điều này biến phytoplankton trở thành một mắt xích quan trọng trong chu trình carbon, không chỉ của biển mà còn của cả hành tinh.
Thông qua các quá trình sinh học của mình, phytoplankton góp phần vào việc điều hòa khí quyển. Chúng đang trực tiếp sản sinh ra khoảng 1 nửa lượng oxy toàn cầu, trước một sự thật đáng ngạc nhiên là tổng sinh khối phytoplankton chỉ chiếm xấp xỉ 1% lượng thực vật trên Trái đất.
Phytoplankton cũng tham gia vào chuỗi thức ăn, chúng vận chuyển các chất dinh dưỡng hữu cơ, vô cơ và cả dòng nguyên tố vi lượng. Nhờ khả năng quang hợp, phytoplankton đang giúp cố định CO2 trong khí quyển trên quy mô toàn cầu.
Chúng tái chế carbon và cho phép carbon được tái sử dụng trên bề mặt đại dương. Một phần nhất định của sinh khối đi qua phytoplankton sẽ trở thành các hạt chìm sâu xuống đáy biển, nơi chúng tiếp tục các quá trình biến đổi, được tái khoáng thành đá và trầm tích để lưu trữ carbon trong thời gian dài.
Vì vậy, khi nhìn vào loài tảo biển tuyệt vời này, Riebesell đã đặt ra một giả thuyết. Ông nghĩ nếu phytoplankton phát triển nhờ quang hợp, thì khi nước biển hòa tan nhiều CO2 hơn, chúng dĩ nhiên cũng sẽ phát triển mạnh hơn.
Tuy nhiên, điều mà Riebesell thực sự tìm thấy ngoài thực địa và trong các thí nghiệm đã làm ông phải bất ngờ. Trái ngược hoàn toàn với những gì Riebesell nghĩ, những đám tảo phytoplankton sẽ lụi tàn trong nước biển hòa tan nhiều CO2.
Và thế là Riebesell bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân tại sao? Ông phát hiện phytoplankton có một lớp thành tế bào cấu tạo từ canxi cacbonat. Giống như nhiều loài động vật biển có vỏ vôi hóa, nước chứa nhiều CO2 hơn sẽ cản trở quá trình canxi hóa của phytoplankton và đe dọa sự tồn tại của loài tảo này.
Năm 2004, Riebesell đem phát hiện của mình tới một hội nghị chuyên đề ở Paris, nơi ông gặp rất nhiều đồng nghiệp khác cũng đang tiến hành các nghiên cứu tương tự về hiện tượng hấp thụ CO2 vào nước biển.
Trước đó, các nhà khoa học đều nghĩ rằng việc đại dương hấp thụ CO2 là điều tốt. Vì nếu biển nuốt vào CO2, lượng khí nhà kính trong khí quyển sẽ giảm đi. Hành tinh của chúng ta sẽ bớt bị nung nóng và cuộc sống của các sinh vật trên cạn sẽ bớt khắc nghiệt.
Tuy nhiên, những gì mà Riebesell và các nhà khoa học khác phát hiện lại cho thấy đại dương đang phải trả giá vì sự bao dung của mình. "Đó là thời điểm mà đột nhiên, cộng đồng của chúng tôi nhận ra sự mất cân bằng pH của đại dương có thể gây hại. Đó cũng là lúc mà thuật ngữ axit hóa đại dương ra đời", ông nói.
Axit hóa đại dương được định nghĩa là sự giảm độ pH của toàn bộ đại dương hoặc một số vùng biển trên Trái đất. Hiện tượng này có thể xảy ra trên quy mô cục bộ, vì một số nguyên nhân như dòng hải lưu thay đổi, sự hoạt động của núi lửa, giảm mật độ băng biển.
Tuy nhiên trên quy mô toàn cầu, nguyên nhân chủ yếu của axit hóa đại dương là vì quá trình hấp thụ carbon dioxide (CO2) từ khí quyển vào nước biển.
Các nhà khoa học cho biết chỉ trong 200 năm kể từ sau cách mạng công nghiệp, con người đã thải vào bầu khí quyển 2,3 nghìn tỷ tấn CO2, chủ yếu thông qua hoạt động khai thác và đốt nhiên liệu hóa thạch. Nó đẩy tỷ lệ khí nhà kính trong khí quyển tăng lên tới mức cao nhất trong vòng 15 triệu năm trở lại đây.
CO2 xuất hiện trong khí quyển làm chậm tốc độ thoát nhiệt của Trái đất vào không gian. Thay vào đó, chúng giữ nhiệt lại, bẫy một lớp không khí nóng và làm ấm bề mặt Trái đất theo thời gian. Đó là nguồn gốc sâu xa của hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu, thứ đang gây ra các dạng thời tiết cực đoan và ngày càng khó dự báo như hiện nay.
Mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn những gì chúng ta đang thấy nếu đại dương không tham gia vào chu trình carbon, nơi nước biển giống như một lớp màng căng trên 70% diện tích bề mặt Trái đất, sẵn sàng hấp thụ tới 1/4 lượng khí nhà kính mà con người tạo ra.
Kết quả là từ thời kỳ đầu của kỷ nguyên công nghiệp, các đại dương trên thế giới đã nuốt vào hơn 500 tỷ tấn CO2 từ khí quyển. Con số tương đương với 22 triệu tấn khí nhà kính mỗi ngày.
Lúc đầu, các nhà khoa học nghĩ rằng biển, tự nó được cho là có thể giải quyết vấn đề CO2 của chính mình. Họ mong đợi khi những dòng nước ngọt hòa tan thạch quyển và đổ vào đại dương, những ion bazơ mà chúng mang theo có thể cân bặng lại tốc độ giảm pH của nước biển.
Khoa học gọi đó là hiệu ứng "buffering", thứ đã giữ cho nước biển duy trì được độ pH ổn định trong khoảng 8,1-8,3 suốt hàng triệu năm. Nhưng hóa ra, con người có thể phá vỡ mọi phương trình mà mẹ thiên nhiên đã cân bằng.
Những phát hiện của Riebesell và các đồng nghiệp trong thập niên 2000 cho thấy đứng trước sự hấp thụ mạnh của CO2 từ khí quyển, hiệu ứng buffering đã không còn giữ được độ cân bằng cho pH của nước biển nữa.
Kết quả là chỉ trong vòng 200 năm sau cách mạng công nghiệp, pH của biển đã giảm từ 8,25 vào năm 1751 xuống còn 8,14 ở thời điểm hiện tại. Mặc dù sự thay đổi chỉ là 0,1 đơn vị trên thang đo pH, nhưng bởi pH là một hàm logarit, mỗi một đơn vị của nó đại diện cho một sự thay đổi gấp 10 lần của ion H+.
Vì vậy, các nhà khoa học cho biết một thực tế đang diễn ra là nước biển của tất cả các đại dương trên Trái đất đã có nồng độ H+ tăng lên khoảng 30%. Chỉ trong vòng 200 năm trở lại đây, đó là một sự gia tăng nhanh gấp 100 lần quá trình biến đổi hóa học tự nhiên của toàn bộ đại dương, xét trên chiều dài hơn 50 triệu năm trước khi con người xuất hiện.
Phương trình hóa học của biển cả
Cần phải nói rằng, việc đại dương đã bị axit hóa 30% so với thời kỳ tiền công nghiệp không có nghĩa là tất cả nước biển đã biến thành axit. Trên thực tế, trong thang đo pH từ 0 đến 14, độ pH của nước biển hiện tại vẫn thể hiện tính kiềm nhẹ, ở giá trị 8,14.
Các nhà khoa học ước tính ngay cả khi toàn bộ CO2 có trong khí quyển hòa tan vào đại dương, điều đó cũng chưa thể đủ để kéo pH của nước biển xuống dưới 7, nghĩa là biến thành axit thực sự.
Tuy nhiên, điều mà họ muốn nhấn mạnh trong khái niệm "axit hóa đại dương" chính là sự gia tăng của các ion hydro (H+) trong nước biển. Sau khi CO2 hòa tan vào nước (H2O), nó sẽ hình thành lên một axit yếu là axit cacbonic (H2CO3).
H2CO3 không bền nên sẽ phân ly thành ion H+ và bicacbonat (HCO3-). Phản ứng thậm chí có thể tiến thêm một bước nữa, khi bicacbonat tiếp tục phân ly thành một ion H+ và một ion cacbonat (CO3 2-).
Sự gia tăng của các ion H+ này sẽ tạo ra vấn đề với các sinh vật biển vốn đã thích nghi với môi trường kiềm của đại dương trong hàng triệu năm.
Chúng ta biết nhiều phản ứng hóa học, bao gồm cả những phản ứng cần thiết cho sự sống, rất nhạy cảm với những thay đổi nhỏ của pH. Ví dụ ở người, pH máu bình thường nằm trong khoảng từ 7,35 đến 7,45. Độ pH trong máu giảm xuống 0,2-0,3 đơn vị đã có thể gây co giật, hôn mê và thậm chí tử vong.
Tương tự như vậy, một sự thay đổi nhỏ trong độ pH của nước biển có thể gây ra những tác động lớn đối với sinh vật biển, ảnh hưởng đến các quá trình sinh hóa, tăng trưởng và sinh sản.
Ở trên bạn đã được nghe câu chuyện về những ấu trùng hàu và loài tảo phytoplankton, nhưng sự thật là còn rất nhiều sinh vật biển khác đang xây dựng lớp vỏ hoặc khung xương của chúng từ canxi cacbonat (CaCO3). Để làm được điều đó, các sinh vật này cần kết hợp ion canxi (Ca +2 ) với cacbonat (CO 3 2-) từ nước biển xung quanh. Quá trình này giải phóng CO2 và nước.
Tuy nhiên, các ion H+, vốn có lực hút với cacbonat (CO3 2-) lớn hơn ion canxi. Vì vậy, sự có mặt của chúng sẽ cản trở quá trình xây dựng lớp vỏ và khung xương của các sinh vật biển.
Kể cả khi số lượng ion H+ đủ nhỏ và các sinh vật biển vẫn có thể tổng hợp canxi cacbonat cho mình, chúng vẫn sẽ tốn nhiều năng lượng và thời gian hơn để làm điều đó. Và khi các loài sinh vật tập trung tài nguyên vào mục đích sinh tồn, chúng buộc phải trả giá bằng quá trình sinh sản bị hạn chế. Kết quả là dân số của chúng sẽ suy giảm.
Tệ hơn nữa, nếu có quá nhiều ion hydro xung quanh, các lớp vỏ và khung xương chứa canxi cacbonat của sinh vật biển thậm chí có thể bị hòa tan. Các nhà khoa học cảnh báo với tốc độ axit hóa đại dương như hiện nay, pH của nước biển có thể giảm thêm từ 0,3 đến 0,5 đơn vị, xuống tới mức 7,8 vào năm 2100.
Ở ngưỡng axit hóa này, các thí nghiệm cho thấy nước biển có khả năng hòa tan vỏ của pteropod, một loài ốc biển nhỏ, chỉ trong vòng 45 ngày, lột trần loài sinh vật mỏng manh này và khiến mạng sống của chúng bị đe dọa.
Những loài có vỏ cacbonat dày hơn như ốc, trai, tôm, cua, nhím biển và sao biển cũng sẽ bị bào mỏng, khiến chúng trở nên dễ tổn thương hơn trước động vật săn mồi.
Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy vỏ của loài vẹm sẽ bị hòa tan khoảng 10% trong nước biển của năm 2100. Con số là 25% đối với hàu, nếu chúng có thể phát triển và sống sót qua giai đoạn ấu trùng của mình.
Trên thực tế, axit hóa đại dương đã dẫn tới nhiều sự kiện hàu chết hàng loạt trên thế giới. Tại vịnh Willapa của Washington, khu vực Puget Sound và ngoài khơi Đảo Vancouver, các rạn hàu hoang dã được ghi nhận là không còn khả năng sinh sản.
Các trại sản xuất hàu trên vịnh Netarts ở Oregon, Hoa Kỳ từng ghi nhận hiện tượng ấu trùng chết tới 80% vào khoảng những năm 2006-2008. Nguyên nhân ban đầu được cho là vì vi khuẩn, nhưng ngay cả khi các trang trại này chi hàng ngàn USD để lọc nước và khử khuẩn, hàu giống của họ vẫn chết.
Cuối cùng, chỉ khi các nhà khoa học vào cuộc và chỉ ra độ pH của nước biển là nguyên nhân khiến ấu trùng hàu không thể hình thành vỏ, ngành công nghiệp hàu trị giá 73 triệu USD mỗi năm ở Tây Bắc Thái Bình Dương mới được cứu. Hiện họ đang phải pha natri bicacbonat trên những cánh đồng nuôi hàu của mình để chống lại độ chua cực đoan của nước biển.
Tác động lớn tiếp theo của hiện tượng axit hóa đại dương được đặt lên một sinh vật đặc biệt: San hô. Vốn là một loài động vật không xương sống, san hô cũng phải dựa vào quá trình tổng hợp canxi cacbonat từ nước biển, tạo thành một bộ xung xương đóng vai trò như một ngôi nhà cho những polyp trú ngụ.
Các nhà khoa học cho biết axit hóa đại dương có thể ảnh hưởng đến san hô trước cả khi chúng dựng nhà của mình. Giống với hàu, trứng và ấu trùng của một số loài san hô không thể trưởng thành và tìm được nơi định cư trong môi trường có quá nhiều ion H+.
Ngay cả khi một số loài san hô có thể vượt qua thử thách đó, chúng sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi nước biển ăn mòn vào khung xương của mình. Các tính toán cho thấy, từ giờ tới năm 2080, nước biển sẽ có đủ tính axit hóa để hòa tan nhiều san hô hơn tốc độ bồi đắp của chúng.
Kết quả là một hiện tượng được gọi là tẩy trắng san hô sẽ diễn ra. Trong đó, các rạn san hô mất đi hoàn toàn lớp tảo sống cộng sinh trên mình, khiến chúng chỉ còn trơ lại khung cacbonat trắng xóa.
San hô bị tẩy trắng mặc dù vẫn có thể sống, nhưng chúng cũng sẽ dễ bị bệnh và chết, kéo theo sự lụi tàn của cả một hệ sinh thái đang là ngôi nhà cho hàng ngàn sinh vật biển khác.
Cá là những nạn nhân tiếp theo của nước biển axit hóa. Dễ nhìn thấy nhất là những loài cá sống dựa vào san hô khi chúng bị mất đi ngôi nhà của mình. Tinh tế hơn, sự thay đổi pH của nước biển cũng ảnh hưởng đến nhiều quá trình sinh hóa và thần kinh của cá.
Ví dụ, loài cá hề được cho là dễ đi lạc hơn trong nước biển bị axit hóa. Quá nhiều ion H+ khiến chúng mất khả năng "ngửi" đường về nhà.
Thính giác và khả năng định hướng của cá cũng bị ảnh hưởng bởi nước biển axit hóa. Nhiều loài cá như cá hề và cá bớp, bình thường, có thể nghe thấy kẻ thù săn mồi, nhưng khi pH nước biển giảm xuống, thính giác của chúng cũng sẽ bị suy giảm.
Ngoài ra, cá cũng phải trả một chi phí cơ hội khi phải sống trong môi trường axit hóa. Mặc dù không có vỏ hoặc khung xương cacbonat, các tế bào cá thường tạo ra một sự cân bằng pH với nước biển bằng cách hấp thụ axit cacbonic.
Để tránh không cho máu bị nhiễm toan, cá phải duy trì các quá trình sinh hóa trong mang, thận và ruột để đào thải axit. Vì vậy, nước biển có độ pH càng thấp, cá càng mất nhiều năng lượng hơn để làm điều đó.
Kết quả là mức năng lượng mà chúng dành cho việc kiếm ăn, tiêu hóa, sinh sản và chạy trốn kẻ thù sẽ giảm xuống. Axit hóa đại dương được dự đoán sẽ làm chậm sự phát triển của nhiều loài cá khiến dân số của chúng giảm sút.
Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì?
Đến đây, bạn có thể tưởng tượng axit hóa đại dương cũng giống như lạm phát trong xã hội loài người. Nếu như lạm phát khiến chi phí sinh hoạt của chúng ta tăng lên, thì pH giảm cũng khiến cuộc sống của nhiều loài sinh vật biển trở nên khó khăn hơn.
Việc mất đi bất kỳ một loài sinh vật nào trong số này cũng sẽ ảnh hưởng tới chuỗi thức ăn của đại dương và gây ra một sự sụp đổ tiềm tàng. Các nhà khoa học đã nhìn vào lịch sử Trái đất để tìm hiểu điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.
Họ làm điều đó bằng cách khoan xuống đáy biển và thu thập các mẫu đất đá nằm sâu trong lớp vỏ của hành tinh. Thành phần hóa học của các mẫu hóa thạch này tiết lộ khoảng 55,8 triệu năm về trước, các đại dương trên Trái đất cũng đã trải qua mức độ axit hóa tương tự như hiện nay.
Nguyên nhân là do sự hoạt động quá mức của núi lửa đã đốt cháy các cánh rừng, gây ra hỏa hoạn diện rộng và đẩy một lượng lớn CO2 vào khí quyển. Nhiệt độ Trái đất khi đó đã tăng thêm 5 độ C, khiến nó được gọi là thời kỳ Cực đại nhiệt Paleocene-Eocene.
Lớp trầm tích được tìm thấy đại diện cho khoảng thời gian này có màu nâu đỏ của bùn thay vì màu trắng phấn của canxi cacbonat. Đây là một bằng chứng cho thấy các loài sinh vật biển có vỏ đã bị hòa tan bởi nước bị axit hóa.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy axit hóa đại dương đã đóng góp vào 3 trong số 5 cuộc đại tuyệt chủng lớn nhất xảy ra trong lịch sử Trái đất. Ban đầu, các nhà khoa học nghĩ rằng các cuộc đại tuyệt chủng này chủ yếu xảy ra trên mặt đất vì nồng độ CO2 quá cao trong khí quyển.
Nhưng nghiên cứu từ năm 2004 cho thấy axit hóa đại dương cũng đã tạo ra các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt bên dưới lòng đại dương, vào cuối kỷ Tam Điệp, kỷ Permi và kỷ Phấn Trắng.
Ngày nay, con người cũng đang phải đối mặt với một kỷ nguyên axit hóa đại dương của riêng mình, khi lượng CO2 chúng ta đẩy vào khí quyển là nhiều và nhanh chưa từng có. Hoạt động công nghiệp của con người đã tạo ra nhiều CO2 hơn cả thời kỳ Cực đại Nhiệt Paleocen-Eocen.
Hiện nồng độ CO2 trong khí quyển đã vượt qua mốc 400 phần triệu (ppm) – trong khi nồng độ an toàn là khoảng 350 ppm, một cột mốc quan trọng mà chúng ta đã vượt qua từ năm 1988. Nếu không có sự hấp thụ của đại dương, nồng độ CO2 trong khí quyển sẽ còn cao tới 475 ppm.
Vì vậy, chúng ta thực sự không biết điều gì sẽ diễn ra khi nền văn minh của chúng ta tiếp tục phát thải và đại dương tiếp tục phải hấp thụ CO2 vào nước biển.
Một số nhà khoa học đã nghĩ về một ranh giới, một ngưỡng axit hóa đại dương mà nếu chúng ta vượt qua đó, độ pH của nước biển sẽ xuống thấp đến nỗi đe dọa sự vận hành của toàn bộ hệ sinh thái trên Trái đất.
Axit hóa đại dương được xếp vào một trong 9 ranh giới của hành tinh bao gồm: biến đổi khí hậu, tính toàn vẹn sinh quyển, sự suy giảm tầng ozone, ô nhiễm sol khí, chu trình nước, dòng sinh hóa nitơ và phốt pho, thay đổi hệ thống đất liền và sự phát thải của hóa chất mới.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2015 cho chúng ta thấy nhân loại đã vượt qua 4 ranh giới: biến đổi khí hậu, tính toàn vẹn sinh quyển, thay đổi hệ thống đất liền và dòng sinh hóa nitơ phốt pho.
Gần đây hơn, các nhà khoa học chỉ ra chúng ta cũng đang bước vào vùng nguy hiểm của 2 ranh giới nữa là sự phát thải của hóa chất mới, ở đây là ô nhiễm vi nhựa và mất ổn định của chu trình nước ngọt.
May thay, axit hóa đại dương vẫn còn đang nằm trong ngưỡng an toàn. Nhưng ngưỡng đó sẽ bị vượt qua nếu pH của biển giảm xuống mức hòa tan aragonit - dạng canxi cacbonat quan trọng mà nhiều sinh vật sử dụng trong quá trình canxi hóa của chúng.
Một khi ranh giới về axit hóa đại dương này bị phá vỡ, chúng ta sẽ bước vào một thời kỳ hết sức bất định.
Để ngăn chặn điều đó xảy ra, cách thực tế nhất mà chúng ta có thể làm là giảm phát thải và tăng cường các quá trình cố định carbon trên hành tinh. Giảm phát thải có thể được thực hiện thông qua giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong khi các biện pháp cố định carbon hiệu quả là trồng rừng, phục hồi thảm cỏ biển và trồng thêm tảo.
Mặc dù các biện pháp này đều đòi hỏi nỗ lực mang tính vĩ mô ở cấp quốc tế để trở nên hiệu qua, bản thân bạn cũng có thể góp phần vào việc ngăn chặn quá trình axit hóa đại dương thông qua những hành động đơn giản của mình.
Ví dụ, tắt đèn khi không sử dụng, đi bộ và xe đạp trên quãng đường ngắn thay vì xe máy hoặc ô tô, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, năng lượng tái tạo từ Mặt trời, gió hoặc địa nhiệt…
Ngay cả việc kiểm tra áp suất lốp xe cũng có thể giúp bạn giảm tiêu thụ xăng, và từ đó giảm lượng phát thải carbon của bản thân mình.
Ngoài ra, một điều nữa bạn có thể làm là chia sẻ bài viết này để kể với bạn bè và người thân về chuyện các đại dương của chúng ta đang bị axit hóa. Bởi ngay cả các nhà khoa học cũng mới chỉ phát hiện ra vấn đề này trong gần 2 thập kỷ trở lại đây, rất nhiều người còn chưa biết nước biển của chúng ta đang bị chua đi.
Hậu quả của điều đó là bộ mặt của đại dương sẽ thay đổi, những rạn san hô sẽ biến mất, vỏ ốc sẽ mỏng đi, những con hàu sẽ tan biến và ngay cả nền văn minh của chúng ta cũng sẽ bị đẩy đến một ranh giới nguy hiểm.