"Bộ lọc làm đẹp" khiến giới trẻ tự ti
Các nghiên cứu cho thấy nhiều bạn trẻ ngày càng mặc cảm về ngoại hình bởi vì các bộ lọc không ngừng biến đổi khuôn mặt theo chiều hướng phẫu thuật thẩm mỹ.
Chỉ cần bấm vào bộ lọc “Glossy Babe”, khuôn mặt của cô gái tuổi teen sẽ được kéo dài nhẹ, mũi cô trông thanh mảnh hơn và một lớp tàn nhang rải trên má. Tiếp theo, bộ lọc “Glow Makeup” đã xóa bỏ mọi khuyết điểm trên da, làm cho môi cô căng bóng và kéo dài hàng mi của cô vượt xa khả năng của trang điểm. Với lần bấm thứ ba, khuôn mặt của cô trở về với thực tế.
Hàng trăm triệu người hiện đang sử dụng bộ lọc làm đẹp để thay đổi diện mạo của họ trên các ứng dụng như Snapchat, Instagram và TikTok. Tuần này, TikTok đã công bố các hạn chế mới về quyền truy cập của trẻ em trên toàn thế giới với các bộ lọc bắt chước tác động của phẫu thuật thẩm mỹ.
Bộ lọc làm đẹp Snapchat (từ trái sang phải): ảnh gốc, Glossy Babe, Glow Makeup và Eyelenses.
Quy định mới này được đưa ra sau một cuộc khảo sát với sự tham gia của gần 200 thanh thiếu niên và phụ huynh ở Anh, Mỹ và một số quốc gia khác cho thấy rằng các bạn nữ “dễ bị cảm thấy tự ti” khi dùng mạng xã hội.
Ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về tác động của công nghệ lên sức khỏe tinh thần và đây là vấn đề không hề nhỏ: riêng TikTok đã có khoảng 1 tỷ người dùng. Một nghiên cứu sắp tới của bà Sonia Livingstone, giáo sư tâm lý xã hội tại Trường Kinh tế London (Anh), lập luận rằng áp lực xã hội phát sinh từ những hình ảnh đã qua chỉnh sửa trên mạng xã hội thậm chí có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý hơn cả việc chứng kiến bạo lực.
Hàng trăm triệu người đang sử dụng bộ lọc làm đẹp mỗi ngày - với các chức năng như định hình lại mũi, làm trắng răng và mở rộng mắt. Tiến sĩ Claire Pescott, một giảng viên tại Đại học South Wales (Xứ Wales), người đã nghiên cứu trẻ em từ 10 đến 11 tuổi, đồng ý rằng tác động của việc so sánh trên mạng xã hội rất đáng báo động. Trong nghiên cứu, một đứa trẻ, không hài lòng với ngoại hình của mình, đã nói với bà Pescott: “Cháu ước gì mình đang đeo một bộ lọc ngay bây giờ”.
“Giáo dục tập trung vào cách sử dụng Internet an toàn, phòng tránh bị lừa đảo hoặc lợi dụng. Nhưng thực tế là mối nguy hiểm nằm tiềm ẩn ngay trong chúng ta. Việc so sánh bản thân với người khác có tác động nhiều đến cảm xúc”, bà nói.
Bộ lọc hiệu ứng TikTok (từ trái sang phải): ảnh gốc, Bold Glamour, Lông mi BW x Drama và Roblox Makeup.
Tuy nhiên, một số người phản đối những hạn chế về các hiệu ứng làm đẹp - thứ họ coi là một phần bản sắc trực tuyến của họ. Cô Olga Isupova, một nghệ sĩ người Nga sống tại Hy Lạp, người chuyên thiết kế các bộ lọc, cho biết những bước đi này là “vô lý”. Cô nói thêm rằng, việc có một khuôn mặt thứ hai là điều cần thiết để trở thành “đa diện” trong thời đại kỹ thuật số.
“Một người có thể sống cuộc sống bình thường của họ, nhưng cuộc sống đó trên mạng trông sẽ khác. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một khuôn mặt được chỉnh sửa cho tài khoản truyền thông của mình. Đối với nhiều người, mạng xã hội là một đấu trường rất cạnh tranh. Đối với họ, nó không chỉ để giải trí mà còn là nơi nâng cao cuộc sống của họ, để kiếm tiền cho tương lai”, cô nói.
Việc TikTok giới hạn độ tuổi trên một số bộ lọc làm đẹp khó có thể giải quyết vấn đề nhanh chóng. Theo cơ quan quản lý truyền thông Anh Ofcom, một trong năm người từ 8 đến 16 tuổi khai gian trên các ứng dụng xã hội rằng họ đã trên 18 tuổi. Các quy tắc thắt chặt xác minh độ tuổi sẽ không đi vào hiệu lực cho đến năm sau.
Đã có không ít bài nghiên cứu chỉ ra những rủi ro của bộ lọc làm đẹp đối với thanh thiếu niên. Tháng trước, một nghiên cứu nhỏ về các nữ sinh sử dụng Snapchat ở Delhi (Ấn Độ) phát hiện ra rằng hầu hết các em đều “thiếu lòng tự trọng, cảm thấy bất lực khi so sánh vẻ ngoài tự nhiên của mình với hình ảnh được chỉnh sửa”. Một cuộc điều tra năm 2022 về quan điểm của hơn 300 thanh thiếu niên Bỉ phát hiện ra rằng việc sử dụng bộ lọc khuôn mặt khiến họ cân nhắc phẫu thuật thẩm mỹ.
“Một số trẻ em kiên cường và từ chối những hình ảnh này, nhưng những trẻ dễ bị tổn thương hơn có xu hướng cảm thấy tồi tệ khi nhìn thấy nó. Chúng tôi có nhiều bằng chứng cho thấy các bé gái tuổi teen dễ cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình”, bà Livingstone cho biết.
Ông Jeremy Bailenson, giám đốc sáng lập phòng thí nghiệm tương tác ảo của Đại học Stanford (Mỹ), cho biết hậu quả về mặt xã hội và tâm lý của các bộ lọc làm đẹp cực đoan hiện cần nhiều nghiên cứu thử nghiệm hơn. “Cần phải có sự cân bằng giữa quy định và mối quan tâm về sức khỏe. Ngay cả những thay đổi nhỏ đối với hình đại diện ảo cũng có thể nhanh chóng trở thành công cụ mà chúng ta phụ thuộc vào, ví dụ như tính năng “làm đẹp” trên Zoom và các nền tảng làm việc online khác”, ông nói.
Meta, đơn vị điều hành Instagram, cho biết họ đang đi trên một ranh giới mong manh giữa sự an toàn và quyền thể hiện cá nhân với các bộ lọc của họ. Họ đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia sức khỏe tâm lý và cấm các bộ lọc trực tiếp khuyến khích phẫu thuật thẩm mỹ - ví dụ, bằng cách chiếu các đường phẫu thuật lên khuôn mặt người dùng hoặc quảng cáo các quy trình.
Trong khi đó, TikTok cho biết có sự phân biệt rõ ràng giữa các hiệu ứng như bộ lọc chèn thêm tai động vật và các bộ lọc được thiết kế để thay đổi ngoại hình, và rằng thanh thiếu niên và phụ huynh đã nêu lên mối quan ngại về các hiệu ứng ngoại hình. Ngoài ra, họ sẽ nỗ lực nâng cao nhận thức những người thiết kế bộ lọc “về một số kết quả không mong muốn mà một số hiệu ứng nhất định có thể gây ra”.