"Bộ pin Baghdad" 2.000 năm tuổi gây tranh cãi trong giới khảo cổ
Bình đất sét cổ, bên trong chứa một thanh sắt nằm trong ống đồng hình trụ, có khả năng tạo ra dòng điện 1,5 - 2 volt dấy lên suy đoán đây có thể là một loại pin cổ đại.
Năm 1938, nhà khảo cổ học người Đức Wilhelm König tìm thấy một chiếc bình đất sét cổ ở Khujut Rabu, đông nam Baghdad. Chiếc bình được đậy bằng nút làm từ vật liệu giống nhựa đường. Tuy nhiên, các nhà khoa học quan tâm hơn đến những thứ bên trong: một thanh sắt nằm trong một ống đồng hình trụ.
Minh họa 3 thành phần của "pin Baghdad". (Ảnh: Wikimedia).
König là người đầu tiên cho rằng chiếc bình được sử dụng như một dạng pin cổ đại, 1.800 năm trước khi loại pin thực sự đầu tiên được phát minh. Sau Thế Chiến II, kỹ sư Willard Grey thử nghiệm đổ đầy nước nho vào một bản sao của pin Baghdad. Ông nhận thấy nó có thể tạo ra dòng điện 1,5 - 2 volt, không lớn nhưng vẫn là điện tích. Các thí nghiệm sau đó đã xác nhận rằng thiết bị có thể tạo ra năng lượng nếu chủ sở hữu có kiến thức và vật liệu cần thiết.
Việc chiếc bình có thể tạo ra điện tích không đồng nghĩa đây là cách người xưa sử dụng nó 2.000 năm trước. Thậm chí con số này có thể chưa chính xác vì còn nhiều câu hỏi xung quanh niên đại của chiếc bình. Một số chuyên gia cho rằng nó tồn tại từ khoảng năm 225.
Có thể người Parthia (hoặc người Sassani nếu chiếc bình tồn tại từ năm 225) đã biết về tác động của chiếc bình (ví dụ như bị giật nhẹ) mà không rõ cơ chế hay nguyên nhân. Tiến sĩ Paul Craddock, chuyên gia về luyện kim tại Bảo tàng Anh, đưa ra giả thuyết kỳ lạ rằng người xưa có thể dùng chiếc bình để "lừa đảo" trong một ngôi đền.
"Nó có thể kết nối với bức tượng của một vị thần, sau đó thầy tu sẽ đưa ra những câu hỏi. Nếu trả lời sai, bạn chạm vào bức tượng và sẽ bị giật nhẹ, có thể kèm theo một chớp sáng xanh bí ẩn. Trả lời đúng, kẻ lừa đảo hoặc thầy tu có thể ngắt kết nối pin và bạn không bị giật. Từ đó, bạn sẽ bị thuyết phục về sức mạnh của bức tượng, thầy tu và tôn giáo", Craddock nói.
Các chuyên gia không tìm thấy bộ cổ vật nào khác giống pin Baghdad trong khu vực, nghĩa là nếu người xưa thực sự hiểu về pin, những người ủng hộ giả thuyết pin sẽ phải giải thích tại sao kiến thức này không lan rộng.
Một cách giải thích khác có lẽ hợp lý hơn là chiếc bình dùng để đựng các cuộn giấy, vì nó trông tương tự những bình chứa được tìm thấy ở vùng Seleucia gần đó. Giáo sư Elizabeth Stone, một chuyên gia về khảo cổ học Iraq từng nói vào năm 2012, không ai trong số các nhà khảo cổ bà biết tin rằng chiếc bình là pin. Tuy nhiên, nó đã bị trộm khỏi Bảo tàng Quốc gia Iraq trong chiến tranh với Mỹ năm 2003, khiến việc nghiên cứu thêm trở nên bất khả thi.