"Bộ xương di động như một con sâu" này lại chính là sinh vật cực độc ở châu Phi
Một sinh vật có hoa văn kỳ lạ như bộ xương cùng chiếc đầu chẳng khác gì hình ảnh chiếc đầu của người ngoài hành tinh đang chậm rãi di chuyển về phía trước theo đường thẳng. Nếu thoạt nhìn có lẽ nhiều người sẽ đoán rằng nó là một loài sâu nào đó!
Thế nhưng sinh vật xuất hiện trong video lại chính là một trong những sinh vật nguy hiểm nhất ở khu vực châu Phi hạ Sahara: Rắn hổ lục Gaboon (danh pháp hai phần: Bitis gabonica) - loài rắn có răng nanh dài nhất thế giới (lên đến 5cm).
Ngay đến hổ mang chúa - loài rắn dài nhất thế giới với chiều dài có thể lên đến 7m - cũng chỉ có răng nanh dài từ 8 tới 10 millimet. Rắn hổ lục Gaboon còn là loài rắn độc nặng nhất ở châu Phi và liều lượng nọc độc mỗi lần cắn cao nhất so với bất kỳ loài rắn độc nào khác.
Rắn hổ lục Gaboon.
Ngoài ra, rắn hổ lục Gaboon còn là một trong số ít những loài rắn có cách di chuyển theo một đường thẳng (rectilinear locomotion) thay vì theo hình chữ S như đa số các loài rắn khác. Chúng sử dụng vảy bụng săn chắc để có thể tiến về phía trước.
Nhà sinh học Bruce Jayne của Đại học Cincinnati, bang Ohio, Mỹ khi nghiên cứu về sự di chuyển của các loài rắn có tựa đề "Crawling without Wiggling" đã được công bố trên tạp chí Journal of Experimental Biology lý giải:
Cách di chuyển thẳng giúp rắn có thể di chuyển trong không gian chật hẹp, tù túng. Đa số các loài rắn/trăn có cách di chuyển này đều là những loài rắn/trăn to lớn như rắn lục viper, trăn Nam Mỹ, trăn siết mồi...
Nọc độc của rắn hổ lục Gaboon có thể giết chết một người trưởng thành khỏe mạnh chỉ với 1/30 lượng nọc độc trung bình, tuy nguy hiểm là vậy những loại rắn này hiếm khi tấn công con người vì môi trường sống của chúng cách xa con người và rắn Gaboon cũng khá điềm tĩnh.