Cá biển sâu trông như thủy quái chết dạt vào bờ biển
Cư dân xứ Wales phát hiện xác chết hiếm thấy của một con cá biển sâu trong lúc chạy bộ dọc vịnh Three Cliffs trên bán đảo Gower.
Khi nhìn thấy sinh vật từ xa, Rees nghĩ rằng đó một con hải cẩu non mắc cạn, nhưng khi lại gần kiểm tra, cảnh tượng khiến người đàn ông bối rối.
Andy Rees tìm thấy xác cá thầy tu trong lúc chạy bộ trên bờ biển vào tháng 12. (Ảnh: Andy Rees)
"Cái xác nằm lộn ngược nên tôi nhẹ nhàng lật nó lên, mà không nhận ra mình đang đặt chân vào một cái miệng khổng lồ. Những chiếc răng sắc nhọn của con vật đã xuyên qua mũi giày và suýt đâm vào da, khiến tôi hơi sốc", Rees kể lại. "Đó là một con cá thật khủng khiếp và đáng sợ!".
Nhờ chiếc râu dài với phần "mồi nhử" đặc trưng trên đỉnh đầu, người đàn ông nhanh chóng nhận ra đây là một con cá cần câu hay cá vây chân (Lophiiformes) - một bộ cá xương đã tồn tại từ kỷ Phấn Trắng cách đây 130 triệu năm.
Sau khi phân tích các bức ảnh mà Rees chia sẻ, Hiệp hội Bảo tồn Biển cho biết sinh vật thuộc loài Lophius piscatorius, còn được gọi là cá thầy tu. Chúng sinh sống chủ yếu ở độ sâu từ 550 đến 2000 m so với mặt nước ở vùng biển phía đông bắc Đại Tây Dương.
Chiếc miệng lớn chứa đầy răng sắc nhọn của cá thầy tu. (Ảnh: Andy Rees)
Cái xác không còn nguyên vẹn nhưng dựa vào kích thước phần đầu còn sót lại, các nhà sinh vật học ước tính con cá thấy tu này phải dài hơn nửa mét. Trong tự nhiên, Lophius piscatorius thậm chí có thể phát triển tới chiều dài vài mét.
"Sinh vật có khả năng đã bị hải cẩu hoặc một loài săn mồi nào đó ăn thịt và dạt vào bờ do thời tiết mưa bão gần đây. Nội tạng của nó lộ ra và đuôi có vết cắn. Tôi không nghĩ con cá đã chết từ lâu vì nó chưa bốc mùi", phát ngôn viên của Hiệp hội Bảo tồn Biển chia sẻ.