Cách đo nhiệt độ cơ thể chính xác
Để đo nhiệt độ cơ thể chúng ta sẽ dùng tới nhiệt kế. Vậy có loại nhiệt kế nào và cách đo nhiệt độ như nào là đúng?
Trong tủ thuốc mỗi gia đình, nhất là gia đình có trẻ nhỏ thì nhiệt kế là vật dụng cần thiết và nên có để chăm sóc sức khỏe từng thành viên. Khi có triệu chứng sốt hoặc những bệnh lý khác, đặc biệt khi virus corona đang phát triển nhanh chóng thì việc xác định nhiệt độ thân nhiệt bao nhiêu rất quan trọng. Vậy có những loại nhiệt kế nào và cách sử dụng chúng ra sao cho hiệu quả?
1. Đo nhiệt độ bằng nhiệt kế thủy ngân
Nhiệt kế thủy ngân hay còn gọi là cặp nhiệt độ thủy ngân là nhiệt kế quen thuộc và xuất hiện nhiều không chỉ ở gia đình mà ở các cơ sở y tế khám chữa bệnh. Khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân chúng ta có thể chọn đo ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Trước khi đo hãy vẩy nhẹ vạch đo xuống dưới mức tam giác màu đỏ.
Đo thân nhiệt ở nách
Giữ nhiệt kế ở nách, ép sát khuỷu tay vào ngực trong khoảng 4 – 5 phút. Với trẻ em nhiệt độ cơ thể đo trong khoảng 34.7 độ – 37.3 độ thì các bé không bị sốt. Với người lớn cũng tương tự như vậy. Thường thì người lớn sẽ dùng phương pháp đo nhiệt độ ở nách.
Đo thân nhiệt ở miệng
Lưu ý không nên thực hiện khi đã ăn hoặc uống đồ nóng trong vòng 30 phút. Trước khi đo rửa sạch bằng xà phòng, đặt đầu nhiệt kế vào dưới lưỡi, giữ nhiệt kế bằng môi, giữ môi kín xung quanh nhiệt kế. Với nhiệt kế thủy ngân cần giữ trong khoảng 3 phút và với nhiệt kế điện tử chỉ cần giữ dưới 1 phút.
Nếu trẻ em đo trong khoảng 35.5 độ – 37.5 độ thì không bị sốt. Với người lớn nhiệt độ miệng lớn hơn 37,5 độ C thì có dấu hiệu sốt.
Đo nhiệt độ tại hậu môn
Phương pháp đo nhiệt độ cơ thể ở hậu môn sẽ cho kết quả chính xác tuyệt đối. Tẩm chất bôi trơn vào đầu nhiệt kế rồi đưa nhẹ bầu nhiệt kế vào sâu trong hậu môn khoảng 2 - 2.5 cm. Giữ trong 3 phút sau đó lấy ra đọc kết quả. Khi nhiệt độ tại hậu môn của trẻ từ 38 độ C trở lên thì đã có dấu hiệu của sốt, còn người lớn là lớn hơn 37,6 độ C.
2. Nhiệt kế điện tử
Loại nhiệt kế điện tử hoạt động dựa vào cảm ứng nhiệt tại các vùng tiếp xúc với đầu nhiệt kế. Nhiệt kế điện tử dùng để đo tại nách, miệng hay hậu môn, hiển thị thông số bằng điện tử có đèn led dễ đọc hơn nhiệt kế thủy ngân và có tiếng báo khi xong. Nhiệt kế điện tử đo nhiệt độ cơ thể bằng tia hồng ngoại, thời gian tiếp xúc để lấy kết quả chưa đến 30 giây, độ an toàn cao hơn.
3. Nhiệt kế hồng ngoại
Nhiệt kế hồng ngoại để đo nhiệt độ ở lỗ tai hoặc vùng trán. Cách đo này là nhanh nhất, chỉ mất không quá 3 giây, rất tiện lợi, dễ đo. Khi đó nhiệt độ tại trán, cần ốp nhiệt kế chính giữa và áp sát trán, quét từ giữa trán ra thái dương, khoảng 1 - 3 cm và chờ trong vòng 60 giây để có được kết quả. Trong trường hợp đo nhiệt độ trong tai lớn hơn 38,1 độ C là sốt.
Nếu đo qua tai thì chúng ta cần kéo vành tai của người bệnh ra sau rồi bấm nút đo. Sau khoảng 1 - 3 giây có thể rút nhiệt kế ra để xem kết quả. Khi nhiệt độ tại tai từ 38 độ C trở lên thì đã bị sốt. Phương pháp này chỉ dành cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Nếu tai trẻ có nhiều ráy tai kết quả sẽ thiếu chính xác.
Lưu ý với trẻ nhỏ khi có dấu hiệu sốt gia đình cần phải theo dõi thường xuyên để nhanh chóng đưa bé tới cơ sở y tế, tránh sốt cao dẫn tới tình trạng co giật.