Cách ngừa biến chứng tim mạch cho người đái tháo đường
Biến chứng tim mạch gồm nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, có thể hạn chế bằng cách tuân thủ điều trị, chọn thực phẩm đường huyết thấp, lối sống lành mạnh.
Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Minh Nguyệt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng NutiFood chia sẻ tác hại của đái tháo đường và cách giúp người bệnh sống vui khỏe.
Đái tháo đường là bệnh nội tiết chuyển hoá đặc trưng bởi sự tăng lượng đường (glucose) trong máu mạn tính dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, não, thận, thần kinh và tim mạch. Trong đó biến chứng tim mạch phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người đái tháo đường.
Nồng độ đường trong máu cao kéo dài là nguyên nhân gây tổn thương tế bào nội mạc (thuộc lớp trong cùng của mạch máu), gây rối loạn chức năng lớp tế bào này, làm cho các phân tử cholesterol và một số tế bào trong máu dễ dàng chui qua lớp nội mạc vào bên trong, kết dính với nhau tạo nên mảng xơ vữa trong lòng mạch. Bên cạnh đó, các tổn thương nội mạc cũng là nguyên nhân dễ hình thành cục máu đông trong lòng mạch.
Nồng độ đường trong máu càng cao, thời gian càng dài, khả năng hình thành và gia tăng kích thước các mảng xơ vữa và cục máu đông càng lớn, nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng lên hệ tim mạch.
Những bệnh tim mạch có thể gặp ở người đái tháo đường do mảng xơ vữa làm hẹp dần lòng mạch gây thiếu máu nuôi các cơ quan hoặc cục máu đông làm tắc mạch dẫn đến thiếu máu cục bộ các cơ quan bị ảnh hưởng như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, tai biến mạch máu não... đe dọa tính mạng người bệnh.
Người bệnh cần theo dõi đường huyết định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thói quen giúp người đái tháo đường giữ trái tim khỏe mạnh
Hiện nay bệnh đái tháo đường vẫn chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Nhưng người bệnh vẫn có thể sống chung với bệnh một cách khỏe mạnh, hạn chế tối đa các biến chứng bằng cách duy trì những thói quen tốt.
- Tuân thủ các chỉ định điều trị: Uống thuốc hạ đường huyết hoặc tiêm insulin đúng giờ, đúng liều và tái khám đúng lịch, theo dõi đường huyết định kỳ nhằm giữ đường huyết ổn định theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Giữ cân nặng ở mức lý tưởng: Trong khoảng BMI = 20-22 (BMI bằng cân nặng tính theo kg chia bình phương chiều cao tính theo m), có kế hoạch giảm cân nếu BMI cao hơn mức này.
- Chọn thực phẩm thông minh phân bố bữa ăn hợp lý: Nên chia nhỏ các bữa ăn 4-5 lần mỗi ngày, không bỏ bữa, không ăn quá nhiều trong một bữa để tránh tăng đường huyết đột ngột sau bữa ăn và hạ đường huyết lúc đói khi xa bữa ăn.
- Chọn thực phẩm giàu chất bột đường có chỉ số đường huyết (GI) thấp: Đơn cử như các loại ngũ cốc thô (nguyên hạt, nguyên cám), dùng vừa phải thực phẩm có GI trung bình và hạn chế thực phẩm có GI cao như đường tinh luyện, bánh kẹo ngọt, nước ngọt, chè, kem...
- Ăn đa dạng thực phẩm: Đảm bảo đủ các nhóm bột đường, đạm, béo, tăng cường rau và trái cây ít ngọt trong khẩu phần. Bổ sung sữa giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng, đăc biệt là canxi và các vitamin, nên chọn lựa sữa phù hợp, tốt nhất là sữa dành cho người bệnh đái tháo đường.
- Hạn chế thức ăn nhiều béo, nhiều cholesterol như da, mỡ (trừ mỡ cá), phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng; thức ăn chiên, xào, nướng; thức ăn chế biến sẵn nhiều béo, đường, muối; giảm ăn mặn.
- Tập luyện thể lực: Chế độ tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe, vận động thường xuyên, đều đặn hầu hết các ngày trong tuần (ít nhất 3-5 ngày). Nên tập ở mức độ nhẹ và trung bình kéo dài trên 20 phút mỗi lần.
- Lối sống lành mạnh: Giữ tinh thần luôn lạc quan yêu đời, tránh stress, tránh xa rượu bia và các chất kích thích.
Bệnh tiểu đường là gì? Nguyên nhân và cách điều trị bệnh tiểu đường