Cách tận dụng hoa đào tết để làm đẹp và chữa bệnh
Hoa đào không chỉ làm đẹp cảnh sắc và tạo nên bầu không khí Tết truyền thống mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe và sắc đẹp.
Hướng dẫn các bài thuốc làm đẹp, chữa bệnh từ hoa đào
Hoa đào không chỉ như biểu tượng của mùa xuân mà còn là một dược phẩm và mỹ phẩm độc đáo của nền y học cổ truyền, theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3.
Y học cổ truyền ghi nhận hoa đào tính bình, vị đắng, đi vào hai kinh can - vị, có công năng hoạt huyết, lợi thủy, thông tiện, chữa trị chứng thủy thũng, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện không lợi, kinh nguyệt không thông... Loài hoa này còn dùng để chữa bệnh sởi, thủy đậu.
Tuy nhiên phụ nữ có thai không được dùng vì thuốc gây hưng phấn, kích thích tử cung. Hoa đào phơi ở bóng râm, giã nát, uống nóng với ít rượu có thể thông đại tiện, trừ được đàm ẩm và chức súc thủy (tồn đọng nước) ở thận, bàng quang, chuyên trị bệnh cước khí (ngứa do thời tiết lạnh).
Hoa đào là một dược phẩm và mỹ phẩm độc đáo của nền y học cổ truyền.
Một số bài thuốc từ hoa đào
Chứng cước khí, đau vùng tim
Dùng hoa đào khô tán bột, uống với nước ấm hoặc rượu với liều 3-5 g trong một ngày.
Chứng rụng tóc, hói đầu
Dùng bột hoa đào trộn đều với mỡ lợn hoặc dầu vừng rồi bôi lên vùng tổn thương sau khi đã rửa sạch bằng nước hòa với tro của rơm rạ.
Chứng ngược tật (sốt rét)
Dùng hoa đào tán bột uống, mỗi ngày 3 g với rượu ấm.
Chứng kiết lỵ dai dẳng
Có thể dùng 10-15 bông hoa đào sắc uống, mỗi ngày 3 lần.
Chứng đại tiện táo kết
Dùng 10 g hoa đào khô cùng 30 g hoa đào tươi, sắc uống.
Chứng tiểu tiện bất lợi
Dùng 30 g hoa đào tươi trộn với bột mì và đường, làm thành bánh nướng và ăn.
Hoạt huyết, chữa đại tiểu tiện bí kết
Hoa đào nấu với gạo tẻ, mật ong và đường thành cháo để ăn.
Cải thiện chứng liệt dương
Hoa đào, hoa hồng, hoa tường vi, hoa mai, hoa rau hẹ, trầm hương (mỗi loại 30 g), đào nhân 24 g. Đem các nguyên liệu trên ngâm trong một lít rượu, đậy kín, sau một tháng có thể dùng được. Trong quá trình ngâm nên lắc nhiều lần cho thật đều. Mỗi lần uống 20 ml, ngày uống 1-2 lần.
Hoạt huyết
100 g hoa đào rửa sạch, ngâm với một lít rượu trắng, đậy nắp kín, sau một tuần lấy ra uống. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 10 ml.
Công thức làm đẹp từ hoa đào
Giảm cân
Uống bột hoa đào mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 g vào lúc đói.
Trị các vết rám đen ở mặt
Dùng hoa đào 4 phần, bạch dương bì 2 phần và bạch quả tử nhân 5 phần, tất cả đem sấy khô, tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 g ngay sau bữa ăn.
Làm da trắng trẻo, nhu nhuận, mịn màng
Có thể dùng bài thuốc có tên gọi là Ngọc nhan tán, gồm các vị: hoa đào 200 g, đông qua nhân (nhân hạt bí đao) 250 g, và bạch dương bì (vỏ cây bạch dương) 100 g. Các vị đều sấy hoặc phơi khô, tán bột, trộn thêm một chút đường trắng rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê sau bữa ăn.
Tẩy các vết thâm và nốt xám đen trên mặt, các nốt mụn ra nước vàng hoặc mủ đặc
Hoa đào và hoa mai lượng bằng nhau (dùng hoa khô), pha với nước sôi cho ra nước, dùng nước này để rửa mặt.
Dùng hoa đào để rửa mặt, nhất là đối với những người da mẫn cảm, có nhọt lâu khỏi, có thể dùng hoa đào và muối ăn cùng lượng, giã nát trộn đều hòa với giấm thoa lên mặt.
Nếu trên mặt có nốt mụn ra nước vàng hoặc mủ đặc, có thể dùng bột hoa đào hoặc trà hoa đào để uống.
Trị nếp nhăn trên mặt
Dùng nước sắc hoa đào rửa mặt. Hoặc có thể lấy hoa đào, nhân hạt bí đao nghiền mịn, trộn với mật ong, buổi tối xoa lên mặt, sáng dậy rửa đi, các vết nhăn sẽ dần dần hết.
Trị các vết sắc tố
Dùng 10 g hoa đào, 15 g hoa sen, phơi khô, nghiền nhỏ, chia 3 lần bỏ vào cốc thủy tinh, pha nước sôi như pha trà, để một lát cho nước còn ấm, uống như uống nước trà, nhằm chữa các vết sắc tố trên da mặt.