Cách tránh sốc tĩnh điện khi trời chuyển lạnh
Bị sốc tĩnh điện trong những tháng đông lạnh giá là một sự cố thường xảy ra. Trang Lifehacker đã chỉ ra phương thức để phòng tránh vấn đề này.
Vào mùa động, khi thời tiết trở lạnh và không khí trở nên khô khan, con người rất dễ bị sốc tĩnh điện khi chạm vào các đồ vật. Theo vật lý, hiện tượng sốc tĩnh điện xảy ra lúc hai bề mặt là chất cách điện tiếp xúc với nhau.
Khi đó, chúng sẽ tích tụ điện. Nếu một trong các vật đã tích tụ điện sau đó chạm vào chất dẫn điện, như một thanh kim loại, thì sẽ gây ra một cú sốc tĩnh điện.
Sốc tĩnh điện là hiện tượng thường gặp vào mùa đông. (Ảnh: Busy).
Trong nhà ở của con người, có nhiều chất cách điện như đế cao su của giày và thảm len. Khi ta mang giày đế cao su và đi trên thảm len, cơ thể sẽ tích tụ điện và gây ra hiện tượng sốc nếu ta chạm vào chất dẫn điện.
Vì không khí khô trong mùa đông cũng là một chất cách điện, hiện tượng sốc tĩnh điện rất phổ biến vào những tháng lạnh.
Theo trang Lifehacker, có những cách thức nhất định để phòng tránh sốc tĩnh điện. Dễ dàng nhất là để ý đến chất liệu của quần áo, giày dép và nội thất trong nhà. Thay vì mang giày đế cao su là chất cách điện mạnh, hãy sử dụng giày đế da sẽ hạn chế các cú sốc hơn.
Vào mùa đông khi thời tiết trở lạnh, ta thường mặc các trang phục làm từ len để giữ ấm. Vì len cũng là chất liệu có thể gây sốc tĩnh điện, lựa chọn áo và vớ cotton thay vì len giúp ta an toàn hơn.
Áo và vớ len có thể dễ dàng gây sốc điện cho người mặc. (Ảnh: Lifehacker).
Khi rời khỏi xe hơi, ta cũng thường bị sốc tĩnh điện nếu chạm vào cửa xe. Để khắc phục điều này, giữ khung kim loại của cửa xe từ trước khi mở cửa cho đến lúc rời khỏi xe hoàn toàn sẽ giúp ích rất nhiều.
Nếu muốn giảm các sự cố sốc tĩnh điện triệt để hơn, ta có thể dùng máy tạo độ ẩm để không khí bớt khô đi. Độ ẩm tương đối trên 30% sẽ là môi trường hợp lý, từ đó hạn chế các cú sốc điện không mong muốn.
Với việc tăng độ ẩm trong nhà lên, ta có thể thoải mái mặc áo len và mang giày đế cao su mà không lo bị sốc tĩnh điện.