Cách xử lý khi côn trùng chui vào tai

Lấy nước ấm hoặc oxy già nhỏ ngập tai cho côn trùng chui ra hoặc chết ngộp rồi đến cơ sở y tế. Tự xử trí ở nhà thường chỉ lấy được một phần dị vật dẫn đến biến chứng.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Quốc tế Thành Đô cho biết, côn trùng chui vào tai thường xảy ra khi bạn đang ngủ, cả ngủ trên giường hay nằm úp tai xuống mặt đất. Tai nạn này chủ yếu ở vùng quê hoặc bất cứ nơi nào có côn trùng nhiều như vườn tược, ruộng đồng..., những nơi kém vệ sinh, nhiều đồ đạc…

Theo bác sĩ Minh, triệu chứng thường gặp là đột ngột đau dữ dội một bên tai (trước đó không có bệnh gì liên quan đến tai). Có thể có những cơn đau dữ dội xen kẽ với khoảng thời gian âm ỉ. Nguyên nhân là côn trùng chích đốt hoặc chân có gai ngạnh đâm vào tai. Nhiều người cảm giác như có con gì bò trong tai, ngứa ngáy. Trẻ nhỏ đang ngủ khóc thét lên.

Một số người tai bị chảy nước hoặc máu do côn trùng gây trầy xước, rách da ống tai, rách màng nhĩ, nhất là côn trùng sống to có càng hay ngạnh sắc bén như dế, gián, cào cào. Những trường hợp nhẹ hoặc dị vật nhỏ như kiến, ruồi muỗi, thiêu thân, ve chó... triệu chứng có thể không ào ạt bằng những dị vật to hay có gai ngạnh hoặc nọc độc như ong…

Khi côn trùng bò trong ống tai, chúng ta chỉ có cảm giác nhột, khó chịu, ngứa ngáy. Lúc côn trùng gây sang chấn ống tai hay màng nhĩ sẽ gây rất đau. Mức độ đau khác nhau tùy người, có người có thể chết ngất, có người chỉ cảm giác khó chịu mà thôi và tùy thuộc mức độ tổn thương.

Cách xử lý khi côn trùng chui vào tai
Ảnh minh họa: M.H

Lưu ý khi xử trí côn trùng chui vào tai

Bác sĩ Minh cho biết, có những trường hợp bệnh nhân tự xử lý tại nhà hoặc ở các phòng mạch không chuyên khoa thì chỉ lấy được một phần côn trùng, có khi làm gián hay dế cào cấu gây đau dữ dội. Đa số thường để sót phần còn lại như đầu, chân hoặc cánh của côn trùng vì chúng chui vào sâu quá, hoặc gây đau quá bệnh nhân không chịu nổi.

Nếu bệnh nhân chủ quan không khám chuyên khoa để gắp côn trùng ra thì có thể để lại nhiều di chứng và biến chứng nguy hiểm như sốt do nhiễm trùng, viêm tấy tai ngoài, viêm tai giữa cấp, thủng nhĩ vĩnh viễn, giảm thính lực hoặc điếc tai… Trường hợp nhà xa, tốt nhất là lấy nước ấm hoặc oxy già nhỏ ngập đầy vào tai cho côn trùng tự chui ra hoặc chết ngộp rồi đến chuyên khoa Tai Mũi Họng xử trí tiếp.

Xử trí chuyên khoa tai mũi họng

Cơ sở y tế, bệnh viện lớn có đủ chuyên viên và trang thiết bị để xử trí các trường hợp dị vật chui vào tai. Côn trùng chết thì đơn giản hơn là lấy ra bằng những dụng cụ chuyên khoa như kẹp, móc… Nếu côn trùng còn sống, bác sĩ sẽ làm côn trùng chết nhanh bằng các loại thuốc như thuốc tê, nước oxy già nhỏ vào tai, các thuốc nhỏ tai như otipax, polydexa, dầu glycerin, dung dịch povidine…

Một số trẻ hốt hoảng, kích động, bác sĩ sẽ gây mê hoặc tiền mê nhẹ để giúp bé ngủ trong quá trình làm thủ thuật gắp côn trùng ra. Không gây sang chấn thêm nguy hiểm do cố lấy trong tình trạng bé giãy giụa. Không ít trường hợp đã gây ra biến chứng đáng tiếc như gây điếc, rách thủng màng nhĩ do người nhà hoặc các nhân viên y tế thiếu kinh nghiệm thực hiện.

Với những côn trùng to thường nên làm chết trước khi lấy ra để tránh gây sang thương thêm cho ống tai và màng nhĩ. Côn trùng nhỏ thì dễ dàng lấy ra như hút, bơm rửa bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý, hoặc bằng các thuốc chuyên dụng như audiclean… Sau khi lấy côn trùng ra cần rửa sạch tai và nhỏ thuốc tai vài ngày sau đó để tránh nhiễm trùng, nhiễm nấm.

Có nhiều phương pháp dân gian hiệu quả với côn trùng nhỏ như kiến, ví dụ giã lá hẹ, hành lá rồi vắt lấy nước; ép nước gừng sống nhỏ vào tai; xông khói vào lỗ tai để côn trùng chui ra. Tuy nhiên, nhiều cách xử trí dân gian không đúng có thể gây tai biến hoặc để lại di chứng vĩnh viễn cho tai.

Phân tích về phương pháp đổ mật ong vào tai mà một số người chia sẻ, bác sĩ Trương Hoàng Hải Đăng cho biết, mật ong khi đổ vào tai sẽ rất khó rửa, đọng lại trong tai thu hút kiến bò vào càng nguy hiểm hơn. Mật ong không nguyên chất có thể gây nhiễm trùng cho tai.

"Biện pháp chiếu đèn sáng vào tai có thể áp dụng vì đa số côn trùng gặp ánh sáng sẽ hướng sáng, tự động bò ra ngoài", bác sĩ Đăng phân tích.

Theo bác sĩ Đăng, điều đầu tiên khi côn trùng chui vào tai là phải trấn an bệnh nhân. Nếu hốt hoảng khi xảy ra sự cố sẽ vô tình kích động khiến côn trùng vào sâu hơn. Sau đó nhẹ nhàng kéo dái tai lên, nghiêng phần tai bị côn trùng chui theo hướng lên phía trên để côn trùng bò ra. Nếu nghiêng xuống dưới thì côn trùng do cảm nhận được tác động trọng lực đi xuống sẽ bò ngược lên, sâu vào bên trong.

Bác sĩ Đăng cũng khuyên nên đổ nước ấm hoặc dầu ăn vào tai đến khi côn trùng chết, không ngọ nguậy được nữa thì nghiêng lại cho nước chảy ra. Nếu thấy một phần côn trùng lội theo nước ra ngoài tai thì dùng kẹp gắp ra nhẹ nhàng. Trường hợp lấy ra không được thì nên đi gặp bác sĩ chuyên khoa, không nên có biện pháp can thiệp sâu hơn gây tổn thương tai. Ngoài ra có triệu chứng báo động như đau tai dữ dội, ngứa toàn thân, nổi mẩn đỏ do dị ứng, chảy máu... thì phải đến cơ sở y tế ngay để được xử trí kịp thời.

Một số biện pháp phòng ngừa côn trùng chui vào tai

- Nên ngủ giường, không ngủ đất.

- Không nên ăn uống để thức ăn vung vãi trên giường, nệm ngủ.

- Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phải vệ sinh sạch sẽ sau khi bé bú sữa, thay quần áo, thay ga, áo gối khi bị dính sữa để tránh chiêu dụ côn trùng đến.

- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát nhằm hạn chế các loài côn trùng ẩn náu trong nhà.

Loading...
TIN CŨ HƠN
Những người không nên ăn bánh chưng trong những ngày Tết

Những người không nên ăn bánh chưng trong những ngày Tết

Bánh chưng là thực phẩm không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền tại Việt Nam. Đây là loại thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng nên ăn món này.

Đăng ngày: 28/01/2019
Ăn bánh chưng bị mốc dễ nhiễm độc tố gây ung thư

Ăn bánh chưng bị mốc dễ nhiễm độc tố gây ung thư

Nhiều người có thói quen gọt bỏ phần ngoài mốc trước khi chiên ăn mà không biết rằng thực phẩm mốc sinh ra độc tố aflatoxin có thể gây ung thư.

Đăng ngày: 28/01/2019
Cách bảo quản bánh chưng ngày Tết thơm ngon

Cách bảo quản bánh chưng ngày Tết thơm ngon

Bánh chưng là món ăn ngon truyền thống, tương đối cân bằng các nhóm thực phẩm (glucid, protein, lipid) và giàu dinh dưỡng.

Đăng ngày: 28/01/2019
Nghe nhạc trong lúc làm việc giúp khai thông tâm trí, mở mang sáng tạo?

Nghe nhạc trong lúc làm việc giúp khai thông tâm trí, mở mang sáng tạo?

Theo Futurism, nhiều người thường cảm nhận âm nhạc giống như một chất xúc tác tuyệt vời cho tâm trạng khi làm việc.

Đăng ngày: 24/10/2018
Lợi ích của nước ép thơm, dứa, khóm

Lợi ích của nước ép thơm, dứa, khóm

Dứa, thơm, khóm có đặc tính kháng viêm, chữa lành vết bầm tím và làm giảm đau viêm khớp. Nó cũng hỗ trợ rất tốt cho việc tiêu hóa.

Đăng ngày: 18/10/2018
Cảnh giác với vật dụng làm từ nhựa đen: Chúng có thể là rác điện tử tái chế chứa kim loại nặng

Cảnh giác với vật dụng làm từ nhựa đen: Chúng có thể là rác điện tử tái chế chứa kim loại nặng

Liệu các chất độc hại trong rác thải điện tử có len lỏi vào thực phẩm, hay được hấp thụ qua da để vào cơ thể con người hay không?

Đăng ngày: 22/07/2018
Chữa lành tổn thương tim ở trẻ sơ sinh nhờ cấy ghép ty lạp thể

Chữa lành tổn thương tim ở trẻ sơ sinh nhờ cấy ghép ty lạp thể

Công nghệ mới do các bác sĩ tại Bệnh viện nhi Boston phát triển, hứa hẹn sẽ đem đến cơ hội sống bình thường, khỏe mạnh cho rất nhiều trẻ sơ sinh bị tổn thương tim.

Đăng ngày: 22/07/2018
Tiêu điểm
Khoa Học News