Campuchia bất ngờ phát hiện cá chép hồi khổng lồ trên sông Mekong sau 20 năm "vắng bóng"
Các nhà khoa học Campuchia đã vô cùng bất ngờ trước sự xuất hiện của loài cá tưởng chừng đã tuyệt chủng này.
Báo Khmer Times (Campuchia) đưa tin, mới đây một nhóm các nhà khoa học đã vô cùng bất ngờ khi phát hiện sự xuất hiện của cá chép hồi khổng lồ trên sông Mekong - loài cá tưởng chừng đã tuyệt chủng cách đây 20 năm.
Cụ thể, con cá chép hồi khổng lồ sông Mekong (Aaptosyax grypus) được ngư dân phát hiện ở gần đập thủy điện Sesan II thuộc tỉnh Stung Treng, cùng nơi phát hiện con cá đuối nước ngọt khổng lồ lập kỷ lục thế giới.
Tiến sĩ Heng Kong, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Thủy sản Nội địa Campuchia, và ông Thach Panara, Giám đốc Phòng thí nghiệm của Viện Nghiên cứu và Phát triển Thủy sản Nội địa thuộc Cục Quản lý Thủy sản cho biết: "Campuchia có hơn 500 loài cá nước ngọt, bao gồm 58 loài được pháp luật bảo vệ (29 loài nước ngọt và 29 loài nước mặn), và hơn 100 loài cá quý hiếm."
Ông Panara nói thêm: "Lần cuối cùng chúng tôi thấy cá chép hồi khổng lồ trên sông Mekong là khoảng năm 2002". Do đó, phát hiện lần này rất đáng chú ý vì nó là dấu hiệu cho thấy sông Mekong hoặc Biển Hồ (Tonle Sap) của Campuchia vẫn là nơi cư trú của các loài nguy cấp, cá quý hiếm và các loài cá nước ngọt khác.
Cá chép hồi khổng lồ.
Asia News Network dẫn lời ông Panara cho biết con cá chép hồi khổng lồ nặng 6kg nhưng không may đã chết. Tuy nhiên, nó vẫn là nguồn tài nguyên có giá trị cho nghiên cứu. Các nhà khoa học sẽ tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng để tìm các manh mối về loài cá quý hiếm này.
"Chúng tôi rất tiếc vì con cá đã chết, nhưng nó vẫn quan trọng đối với chúng tôi với tư cách là các nhà khoa học. Điều này có thể chỉ ra rằng loài cá chép hồi khổng lồ vẫn còn sinh sống ở vùng nước ngọt của Campuchia", ông Panara nói thêm.
Theo lời ông Panara, hiện các mẫu vật lấy từ con cá đang được kiểm tra tại phòng thí nghiệm để xác định nó là cá chép hồi khổng lồ thuần chủng hay đã qua biến đổi gene.
Bà Chea Seila, Giám đốc chương trình Kỳ quan sông Mekong, cho biết loài cá chép hồi khổng lồ có đặc điểm là rất năng động, thường bắt cá con làm thức ăn và sống ở các vực sâu của sông Mekong ở đông bắc Campuchia giáp với Lào và miền Trung Thái Lan.
Do đặc tính thường xuyên hoạt động kiếm mồi, loài cá này dễ dàng mắc vào lưới đánh cá, và trong thập kỷ qua, ước tính số lượng của chúng đã giảm hơn 90%.
Bà Seila cũng nói thêm rằng loài cá này có khả năng cao sẽ bị tuyệt chủng tại Lào và Thái Lan do tình trạng đánh bắt quá mức và sự phát triển của các đập thủy điện dọc theo sông Mekong ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng.
"Nghiên cứu gần đây nhất được thực hiện vào năm 2017-2018 đã xác định rằng cá chép hồi khổng lồ đã tuyệt chủng ở Campuchia và chỉ được tìm thấy với số lượng rất ít ở Thái Lan và Lào", bà Seila cho hay.
Tuy nhiên, phát hiện mới nhất đã dấy lên hy vọng mới cho các nhà nghiên cứu và bảo tồn.
Bà Seila nói thêm rằng mặc dù vị trí chính xác của quần thể cá chép hồi khổng lồ ở Campuchia vẫn chưa được xác định, nhưng việc đánh bắt được nó đã chứng minh loài cá này vẫn còn tồn tại và cần thêm nhiều nỗ lực hợp tác để phát hiện lại loài quý hiếm này.
Cá chép hồi khổng lồ có thể phát triển chiều dài lên đến 130cm và nặng tới 30kg. Nó có vảy nhỏ và miệng lớn tương tự như của rùa. Khác với nhiều người anh em cá chép nước ngọt của mình, loài cá này không có ria mép.