Cảnh báo nguy cơ bùng dịch từ virus mới giống SARS
Các nhà khoa học vừa phát hiện một loại virus mới, tương tự như virus SARS, và có thể truyền nhiễm trực tiếp từ dơi sang người mà không cần đột biến. Điều này đang làm dấy lên các lo ngại về một dịch bệnh mới trong tương lai.
Phát hiện virus có thể truyền nhiễm từ dơi sang người mà không cần đột biến
Các chuyên gia cảnh báo, hiện không có cách điều trị loại virus mới có tên SHC014-CoV, vốn có thể lây lan từ loài này sang loài khác mà không cần đột biến này. Tuy nhiên, họ thừa nhận, hiện vẫn chưa rõ liệu loại bệnh do virus này gây ra có khả năng truyền nhiễm từ người sang người hay không.
Tiến sĩ Ralph Baric đến từ Đại học North Carolina (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Các nghiên cứu đã phỏng đoán sự tồn tại của gần 5.000 loại coronavirus trong các đàn dơi và một vài trong số chúng tiềm ẩn khả năng trở thành mầm bệnh gây họa cho con người. Vì vậy, vấn đề ở đây không phải là sẽ có một sự bùng phát dịch do một trong những coronavirus đó gây ra, mà là khi nào và bằng cách nào chúng ta có thể đối phó được với nó".
Các nhà nghiên cứu nói, khám phá của họ rất đáng chú ý, do nó làm nổi bật một cuộc tranh cãi đang tiếp diễn về quyết định hồi đầu năm nay của chính phủ Mỹ trong việc ngừng tiến hành mọi cuộc thử nghiệm chức năng trên các đối tượng lựa chọn khác nhau. Động thái này đã làm đình trệ việc phát triển các loại vắc-xin hoặc phương pháp điều trị đối với các mầm bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Virus mới nhận diện giống mầm bệnh SARS, SHC014-CoV, có thể lây lan từ loài này sang loài khác mà không cần đột biến. (Ảnh: Corbis).
Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) lần đầu tiên lây lan từ động vật sang người vào năm 2002 - 2003, dẫn đến sự bùng phát dịch bệnh trên toàn thế giới với khoảng 8.000 ca nhiễm được chẩn đoán. Gần 800 người đã thiệt mạng trong đợt bùng phát đó.
Virus gây bệnh SARS - SARS-CoV - khiến người nhiễm phải bộc lộ các triệu chứng rất giống cúm, nhưng có thể tiến triển nhanh hơn, làm suy giảm sự hô hấp và dẫn tới một dạng viêm phổi nguy hiểm chết người. Dịch bùng phát đã được kiểm soát thông qua các can thiệp sức khỏe cộng đồng và virus ban đầu được cho là đã tuyệt chủng kể từ năm 2004.
Tiến sĩ Baric và các cộng sự khám phá ra rằng, virus mới được nhận diện giống SARS, SHC014-CoV, cũng có thể lây lan khác loài từ động vật bị ký sinh là dơi móng ngựa Trung Quốc. Virus này đeo bám vào cùng một cảm thụ quan trong cơ thể như virus SARS, cho phép nó truyền nhiễm sang con người.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu nhận thấy, virus mới cũng tái tạo giống như SARS-CoV ở các tế bào phổi quan trọng nhất của người - mục tiêu ưa thích của viêm nhiễm.
Tiến sĩ Baric, một chuyên gia về các loại coronavirus, nói thêm rằng: "Virus SHC014-CoV có khả năng gây bệnh cao. Trong khi đó, các phương thuốc được phát triển chống SARS-CoV ban đầu vào năm 2002 cũng như thuốc ZMapp dùng điều trị virus Ebola không thể vô hiệu hóa và kiểm soát nó. Vì vậy, việc xây dựng các nguồn lực, thay vì giới hạn chúng để cùng kiểm tra các nhóm động vật nhằm tìm kiếm các nguy cơ mới cũng như phát triển các phép chữa bệnh là chìa khóa để hạn chế việc bùng phát các dịch bệnh trong tương lai".