Chẳng phải người hay con gì gần gũi, loài vật xa lạ này cũng biết nhớ ơn và trả ơn
Loài cầy mangut lùn có thể ghi nhớ ai giúp đỡ mình, rồi sau đó trả ơn cho đồng loại.
Lâu nay, nhiều người cho rằng mua bán, trao đổi là những hành động chỉ xuất hiện ở xã hội loài người. Nhưng hóa ra, động vật hoang dã cũng làm như vậy.
Nêu vậy để thấy rằng động vật đôi lúc giống người một cách kỳ lạ. Như mới đây, các nhà khoa học đã hết sức bất ngờ khi tìm ra một tập tính của loài cầy mangut lùn (dwarf mongoose) - loài thú ăn thịt nhỏ nhất tại châu Phi. Đó là chúng biết đong đếm mức độ hợp tác của đồng loại và trả ơn xứng đáng theo công sức về sau.
Cầy mangut lùn.
"Gần như chưa có nghiên cứu nào về hoạt động này ở các loài động vật. Làm việc đối với những bầy cầy lùn, chúng tôi đã có những quan sát chi tiết, cũng như thực hiện những thí nghiệm cần thiết trong môi trường hoang dã của chúng" - Giáo sư Julie Kern từ ĐH Bristol cho biết.
Như vậy, đây được coi là công trình nghiên cứu đầu tiên về khả năng trả ơn cho đồng loại.
Thậm chí, đó không chỉ là trả ơn, mà còn là trao đổi lợi ích: một cá thể sẽ giúp đỡ cá thể kia để đáp lại sự giúp đỡ đã nhận được.
Cụ thể hơn, thì "hàng hóa" mà loài cầy mangut lùn trao đổi với nhau tuy đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa trong đời sống bầy đàn, đó là sự canh gác.
Một con cầy đang canh gác.
Ông Kern tiết lộ: "Sau khi quan sát một cách tỉ mỉ bầy cầy lùn trong nhiều tháng, chúng tôi nhận thấy những con tích cực canh gác cho những con khác, sau đó không lâu chúng cũng nhận được sự canh gác tương tự. Song, để xác thực mối liên hệ này, chúng tôi đã sử dụng một vài thủ thuật".
Trong 3 tiếng rời hang kiếm ăn của bầy cầy lùn, các nhà khoa học đã bắt chước tín hiệu tăng cường canh gác của các cá thể cấp dưới bằng cách phát lại âm thanh mà loài cầy phát ra khi thực hiện nhiệm vụ canh giữ.
Vào buổi tối khi cả bầy về hang ngủ, các nhà khoa học quan sát và ghi chép các hành động trông coi. Đúng như dự đoán, những cá thể trước đó được điều động đi canh gác sẽ nhận sự bảo vệ nhiều hơn từ đồng loại.
Những cá thể trước đó được điều động đi canh gác sẽ nhận sự bảo vệ nhiều hơn từ đồng loại.
Kết luận được đưa ra là sự trả ơn không nhất thiết phải được thực hiện ngay lập tức. Hoạt động đáp lại sự canh gác có thể diễn ra vào cuối ngày, khi phần lớn bầy đã kết thúc buổi kiếm ăn và về hang ngủ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.