Chín loài động vật không xương sống mới của Việt Nam
Hai loài bọ cạp và bảy loài nhện không chỉ có giá trị khoa học mà có ý nghĩa thực tiễn cao cho ngành dược và bảo vệ cây trồng.
PGS Phạm Đình Sắc (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) cùng đồng nghiệp công bố 9 loài mới trên hai tạp chí quốc tế uy tín là Comptes Rendus Biologies vào tháng 5 và Zookeys tháng 2 năm nay. Trong ảnh là bọ cạp Vietbocap aurantiacus sp.nov được phát hiện ở động Thiên Đường, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình. Cơ thể chúng có màu vàng đậm, đốt bụng màu nâu vàng. Bọ cạp cái trưởng thành (mẫu holotype) dài 35,8mm. (Ảnh: Lourenco & Pham).
Loài bọ cạp Vietbocap quinquemilia sp.nov. cũng ở động Thiên Đường, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Bọ cạp màu vàng nhạt, có nhiều đốm nâu đậm trên mặt lưng. Bọ cạp đực trưởng thành (mẫu holotype) dài 25mm; giáp đầu ngực dài 3mm; rộng 2mm. Các răng trên tấm lược cấu tạo kiểu 8-8 ở bọ cạp đực và 7-7 ở bọ cạp cái. (Ảnh: Lourenco & Pham).
Loài nhện Pinelema huoyan sp.nov. được phát hiện ở hang Nước Nứt, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình. Loài sống chuyên biệt trong môi trường hang động và là loài đặc hữu cho Việt Nam. Chúng khác biệt với tất cả loài thuộc giống Pinelema ở đặc điểm xúc biện con đực đặc trưng hình quả lê, hành hình ngọn lửa của đèn dầu, túi chứa tinh hình chữ U. (Ảnh: Zhao, Pham, Song & Li).
Nhện Pinelema xiezi sp.nov ở động Tiên Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Đây cũng là loài đặc hữu của Việt Nam. Loài này khác biệt với tất cả loài khác thuộc giống Pinelema ở đặc điểm xúc biện con đực đặc trưng hình quả lê có mấu nồi trên đỉnh, hành dạng tai voi, túi chứa tinh dạng nắp ấm. (Ảnh: Zhao, Pham, Song & Li).
Nhện Pinelema zhenzhuang sp.nov. ở động Thiên Đường, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Loài này khác biệt với tất cả loài khác thuộc giống Pinelema ở đặc điểm mấu của xúc biện rất dài và cong, phần đỉnh của hành hóa gai cứng và sắc nhọn, túi chứa tinh hình cái búa. (Ảnh: Zhao, Pham, Song & Li).
Nhện Pinelema laensis sp.nov. ở hang La, Vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Chúng khác biệt với tất cả loài thuộc giống Pinelema ở đặc điểm xúc biện con đực đặc trưng hình quả trứng, hành hình củ ấu có vệt lõm chạy dọc, túi chứa tinh hình túi. (Ảnh: Zhao, Pham, Song & Li).
Nhện Pinelema spirulata sp.nov. được phát hiện ở hang Lấp, Vườn quốc gia Xuân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Loài này khác biệt với tất cả loài khác thuộc giống Pinelema ở đặc điểm hành xoắn hình ốc, xúc biện hình elip có khía trên đầu, túi chứa tinh hình tròn. (Ảnh: Zhao, Pham, Song & Li).
Loài nhện Pinelema tamdaoensis sp.nov. ở Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Chúng khác biệt với tất cả loài khác thuộc giống Pinelema ở đặc điểm xúc biện con đực đặc trưng hình giọt nước, hành hình lưỡi liềm uốn cong về phía cuối. (Ảnh: Zhao, Pham, Song & Li).
Nhện Pinelema pacchanensis sp.nov. ở hang Pắc Chấn, tỉnh Bắc Kạn. Đây là loài sống chuyên biệt trong môi trường hang động, đặc hữu cho Việt Nam. Chúng khác biệt với tất cả loài khác thuộc giống Pinelema ở đặc điểm xúc biện con đực đặc trưng hình thìa xoắn ở đầu, hành mờ nhạt, túi chứa tinh hình ống. (Ảnh: Zhao, Pham, Song & Li).
Theo PGS Sắc, phát hiện trên không chỉ có ý nghĩa trong khoa học mà còn có giá trị thực tiễn cao. Nọc bọ cạp là nguyên liệu tự nhiên tiềm năng cho ngành dược hiện tại và trong tương lai. Bên cạnh đó, loài nhện còn được biết đến như là những thiên địch quan trọng góp phần phòng chống tổng hợp sâu hại bảo vệ cây trồng.