Chó, mèo, trâu, bò... có nhiều nhóm máu như con người không?
Hệ thống nhóm máu trên cơ thể người được phân loại thành 4 nhóm lớn là A, B, AB và O dựa trên đặc điểm kháng nguyên của máu. Liệu bạn có bao giờ tự hỏi: Đông vật cũng có máu, vậy máu động vật có chia ra các nhóm khác biệt như người không?
Mỗi khi hiến máu, truyền máu hay đơn giản là bắt đầu một chế độ ăn kiêng đặc biệt theo lượng protein trong hồng cầu, chúng ta đều cần phải cân nhắc đến nhóm máu của mình. Tùy thuộc vào thói quen cá nhân mà mức độ quan tâm của bạn đến nhóm máu bạn sở hữu thay đổi, có thể là rất hiếm khi, có khi thường xuyên.
Mặc dù bản thân các loài động vật không thể nhận thức được về các nhóm máu, nhưng con người vẫn cần quan tâm nghiên cứu về chúng. Bởi lẽ, đôi khi động vật cũng phải truyền máu, và con người muốn đảm bảo chúng được an toàn, ít nhất là tránh được phản ứng máu không tương thích (blood incompatibility reaction) khi truyền. Phản ứng máu không tương thích chính là thủ phạm khiến hệ miễn dịch tấn công lượng máu mới xâm nhập vào cơ thể. Chúng tạo ra các kháng thể chống lại protein trong tế bào hồng cầu, hoặc kháng nguyên trong máu truyền. Nhóm máu ở mỗi loài động vật là rất đa dạng, và chúng ta mới chỉ có hiểu biết về hệ thống nhóm máu của một số loài có vú đã được thuần hóa.
Hệ thống nhóm máu của con người hình thành dựa trên ba loại kháng nguyên là A, B và O. Các nhóm máu thường có là A, B, AB và O; mỗi loại trong số này lại chia tiếp thành nhóm Rh dương hoặc Rh âm. Nhóm máu O âm thường được biết đến là nhóm chuyên cho, trong khi đó, nhóm AB dương thì lại chuyên nhận, nó có thể nhận từ tất cả các nhóm máu khác.
Các bác sĩ đang trích máu hiến tặng từ một chú chó nhằm bổ sung vào ngân hàng máu chó dự trữ thuộc Học viện thú y Bombay, Parel, tại Mumbai, Ấn Độ năm 2017.
Loài chó có hơn 8 loại kháng nguyên khác nhau, có thể gắn vào các tế bào hồng cầu của chúng, phần lớn được gọi là Dog Erythrocyte Antigen (DEA 1.1, 1.2, 3, 4, 5, 6, 7). Thông thường, các cá thể thuộc cùng một giống chó sẽ có nhóm máu giống nhau. Ví dụ, 60% chó săn xám thuộc nhóm DEA 1.1 âm (nhóm chuyên cho). Các nhóm máu chó mới vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và phát hiện, nhóm máu Dal mới đây là một ví dụ, chúng chỉ có thể được tìm thấy trên những chú chó đốm Dalmatian.
Không như chó, mèo lại chỉ có hai loại kháng nguyên là A và B. Tuy nhiên, những kháng nguyên A và B này không giống như loại có trên người. Không tồn tại nhóm chuyên cho hay chuyên nhận phổ biến trên mèo. Đại đa số (khoảng 90%) mèo nhà thuộc nhóm máu A, trong khi đó, một số giống mèo thuần chủng ít gặp hơn lại có nhóm B. Vẫn có nhóm máu AB, nhưng rất hiếm.
Giống với chó, nhóm máu của ngựa được tổ chức theo chi giống, nhưng loài ngựa có tới 30 nhóm máu khác nhau, là tổ hợp của 8 loại kháng nguyên (A, C, D, K, P, Q, U – đã được thế giới công nhận, và T – hiện vẫn đang được nghiên cứu).
Nhóm máu của bò thì phức tạp hơn với 11 nhóm máu chính (A, B, C, F, J, L, M, R, S, T, Z), nhưng nhóm máu B lại bao gồm hơn 60 loại kháng nguyên khác nhau, dẫn đến việc truyền máu bò sao cho khớp gặp nhiều khó khăn hơn.
Tiến sĩ WA Jaquiss, được biết đến với biệt danh "Bác sĩ phẫu thuật động vật hoang dã của Hollywood", đang tiến hành truyền máu cho chú sư tử châu Phi 2 tuổi tên Pal. Cuộc phẫu thuật đã thành công sau rất nhiều xét nghiệm máu thuộc các nhóm khác nhau.
Hãy ghi nhớ những điều trên nếu chẳng may lúc nào đó một "người bạn đồng hành" của bạn cần truyền máu. Mặc dù giữa con người và động vật có nhiều điểm chung, đâu đó vẫn tồn tại những ngăn cách giống loài nhất định.
Một điểm thú vị
Lý do gây ra sự khác biệt nhóm máu ở các loài động vật hiện vẫn chưa được biết chính xác. Ở người, mặc dù điều này được cho là có liên quan đến chọn lọc tiến hóa tự nhiên về khả năng miễn dịch, thế nhưng điểm khó hiểu là kháng nguyên lại hoàn toàn di truyền từ cha mẹ sang con cái.