Chủng Lambda chứa đột biến có thể đánh bại vaccine
Biến chủng Lambda, đang hoành hành ở Peru, trở thành mối lo ngại mới vì chứa những đột biến "bất thường" có nguy cơ kháng vaccine cao hơn.
"Dữ liệu của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy những đột biến trong protein gai giúp biến chủng Lambda thoát khỏi các kháng thể trung hòa, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm", các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chile ở thành phố Santiago, cho biết trong nghiên cứu công bố hồi tuần trước.
Theo nghiên cứu này, đây có thể là lý do biến chủng Lambda, được cho là chiếm hơn 1/3 số ca nhiễm tại Chile, vẫn hoành hành, bất chấp việc Chile là một trong những quốc gia tiêm chủng nhanh nhất thế giới.
"Xét đến tình trạng biến chủng này lây lan nhanh chóng tại Peru, Ecuador, Chile và Argentina, chúng tôi đánh giá Lambda có nguy cơ đáng kể trở thành một biến chủng đáng lo ngại", nghiên cứu kết luận.
Y tá chuẩn bị một liều vaccine Covid-19 để tiêm cho nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Lima, Peru, hôm 10/2. (Ảnh: AP).
Jeff Barrett, giám đốc Sáng kiến Hệ gene học Covid-19 thuộc Viện Wellcome Sanger của Anh, cho biết lý do khiến việc nghiên cứu mối đe dọa từ Lambda gặp nhiều khó khăn là biến chủng này tập hợp "một loạt đột biến khá bất thường", nói thêm rằng ít nhất một trong số đó dường như giống với biến chủng Delta, khiến cả hai đều rất dễ lây nhiễm.
Biến chủng Lambda, hay còn có tên C.37, được cho là xuất hiện lần đầu tiên tại Peru vào tháng 8/2020, đang bị coi là nguyên nhân khiến quốc gia này báo cáo số người chết vì Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới. Biến chủng này chiếm tới 81% số ca nhiễm mới ở Peru từ tháng 4 tới nay.
Khoảng 30 quốc gia đã ghi nhận biến chủng Lambda, hầu hết thuộc Mỹ Latinh, nhưng Anh cũng đã báo cáo ít nhất 8 trường hợp.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tháng trước xác định Lambda là "biến chủng đáng quan tâm". Nhà virus học Jairo Mendez-Rico của cơ quan này cho biết tới nay họ "chưa nhận thấy dấu hiệu biến chủng Lambda dữ dội hơn". "Có thể nó dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm cao hơn, nhưng chúng tôi chưa đủ dữ liệu đáng tin cậy để so sánh biến chủng này với Gamma hoặc Delta", Mendez-Rico nói.
WHO còn nhấn mạnh "cần những nghiên cứu sâu hơn để xác nhận tính hiệu quả của vaccine" với biến chủng Lamda. Các vaccine phổ biến hiện nay được cho là vẫn có khả năng bảo vệ tốt trước biến chủng Delta, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ và đang lây lan tại hơn 90 quốc gia khác.