Chụp ảnh có thể giới hạn khả năng ghi nhớ
Các chuyên gia tâm lý học tại Đại học Fairfield (Mỹ) vừa đưa ra lời khuyên rất thú vị, đó là muốn khắc sâu hình ảnh vào bộ nhớ thì chớ có lệ thuộc vào máy ảnh, bởi chụp ảnh có thể hạn chế khả năng ghi nhớ của chúng ta về đối tượng được nhìn thấy.
Thông thường, chúng ta thích "bấm máy" để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ khi đi du lịch, tham quan. Vì vậy, nhà nghiên cứu Linda Henkel muốn tìm hiểu việc chụp ảnh tác động như thế nào đến khả năng ghi nhớ của mọi người, thông qua hai cuộc thử nghiệm khác nhau.
Ảnh: iStockphoto
Trong thí nghiệm thứ nhất, 27 sinh viên được yêu cầu quan sát 30 tác phẩm hội họa, điêu khắc, đồ trang sức và đồ gốm tại Bảo tàng Nghệ thuật Bellarmine. Một nhóm được hướng dẫn đọc tên, nhìn vào tác phẩm 20 giây rồi chụp ảnh, trong khi nhóm còn lại chỉ nhìn vào tác phẩm trong 30 giây mà không chụp hình lại. Hôm sau, những người tham gia được yêu cầu viết tên những tác phẩm mà họ nhớ và chỉ ra cái nào họ đã ghi hình lại.
Tiếp theo, mọi người được giao một danh sách 30 tác phẩm để chỉ ra cái nào đã nhìn thấy, đã chụp ảnh và cái nào không nằm trong các tác phẩm được xem. Ngoài ra, họ còn trả lời bảng câu hỏi về chi tiết các tác phẩm và nhận dạng bằng hình ảnh những đồ vật họ có thể đã thấy hoặc không thấy. Kết quả, Henkel phát hiện người tham gia nghiên cứu nhận diện và ghi nhớ chi tiết về những tác phẩm họ đã chụp ảnh kém hơn so với các tác phẩm mà họ chỉ quan sát bằng mắt.
Thí nghiệm thứ hai cho phép 46 sinh viên có thêm thời gian chụp ảnh, ngoài 25 giây quan sát các tác phẩm. Vài người trong số họ được yêu cầu phóng to những bộ phận đặc biệt của vật thể. Hôm sau, những người tham gia được kiểm tra trí nhớ. Kết quả, những người chụp ảnh không nhớ nhiều về những gì họ đã ghi lại, trong khi hành vi phóng to các chi tiết của vật thể trước đó giúp người tham gia ghi nhớ toàn bộ vật thể một cách chính xác. Nhà nghiên cứu Henkel lý giải việc phóng to các bộ phận của vật thể không chỉ giúp bạn chú ý vào đồ vật mà còn suy nghĩ nhiều về nó.
Lý giải về kết quả 2 thí nghiệm trên, Henkel cho rằng việc chụp ảnh khiến mọi người chỉ chú tâm vào thao tác chụp mà bỏ qua vật đang nhìn thấy. Ngược lại, việc phóng to các bộ phận của vật thể lại thu hút sự chú ý của thị giác lẫn não bộ một cách tổng thể, từ đó ghi nhớ tốt hơn.