Chuyên gia cảnh báo tác dụng phụ đáng sợ khi ăn chay sai cách
Ăn chay chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe nếu như biết ăn đúng cách. Theo chuyên gia, khi áp dụng chế độ ăn chay, mọi người cần phải có kiến thức.
Hệ lụy khi ăn chay sai cách
Mới đây, nữ blogger Zhanna Samsonova, 39 tuổi, người Nga, đã tử vong vào này 21/7 tại Malaysia sau khi thực hiện một chế độ ăn kiêng khắc nghiệt.
Được biết, Samsonova đã theo chế độ ăn thuần chay trong hơn 15 năm, bắt đầu bằng việc thỉnh thoảng cho phép mình ăn cá và sữa. Tuy nhiên, sau vài năm, phương pháp ăn kiêng của cô ngày càng trở nên cực đoan hơn. Cuối cùng, cô chỉ ăn trái cây, rau sống cùng với nước trái cây.
Trong vòng 10 năm, cô đã thực hiện chế độ ăn thô thực vật, chỉ ăn trái cây, rau mầm hạt hướng dương, sinh tố và nước ép trái cây. Đan xen với chế độ ăn thô này, có những khoảng thời gian Samsonova thậm chí còn nhịn ăn, nhịn uống trong nhiều ngày. Ngoài ra, Samsonova đã không uống nước trong hơn 6 năm liên tiếp. Thay vào đó, cô chỉ uống nước ép trái cây và rau.
Chia sẻ với truyền thông địa phương ở Nga về nguyên nhân tử vong của con gái, mẹ của Samsonova cho rằng con gái bà bị nhiễm loại bệnh nhiễm trùng giống bệnh tả và các triệu chứng nhiễm trùng trở nên trầm trọng hơn do chế độ ăn uống khắc nghiệt.
Sự ra đi của nữ blogger Zhanna Samsonova khiến cho mọi người cần có cái nhìn nghiêm túc hơn về vấn đề ăn chay khoa học.
PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh – nguyên Trưởng khoa Vi chất (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), Trưởng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM - cho rằng mọi người đều phải có kiến thức về dinh dưỡng cho dù ăn chay hay không. Người ăn phải biết mình nạp vào bao nhiêu năng lượng, nạp chất gì vào cơ thể. Ăn chay sai sẽ để lại hậu quả rất khôn lường, chuyên gia cảnh báo.
Thực tế, bác sĩ Ninh đã gặp rất nhiều người ăn chay tới khám trong tình trạng bị suy nhược cơ thể, thiếu máu, mắc đái tháo đường…
Có những bệnh nhân tới khám chỉ ăn rau, đậu, muối vừng. Bác sĩ Ninh cho biết với một chế độ ăn chay nghèo nàn dưỡng chất như vậy thì bệnh nhân suy nhược, thiếu máu và các khoáng chất khác là đương nhiên.
Ăn chay đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh minh họa).
Bác sĩ Ninh cho rằng có thể ăn chay để giảm cân và hỗ trợ điều trị bệnh, nhưng cần phải tính toán lượng calo nạp vào cơ thể: đạm, mỡ, đường phù hợp với tình trạng cơ thể. Nhiều trường hợp người trung niên cao tuổi ăn chay thường kèm theo bệnh lý nền cần phải tư vấn bác sĩ dinh dưỡng. Với trẻ nhỏ không nên thực hiện chế độ ăn chay sẽ ảnh hưởng tới quá trình phát triển của bé.
Người ăn chay trường không đúng sẽ có một số vấn đề như thiếu một số vitamin và chất khoáng, đặc biệt là sắt, kẽm, canxi… gây ra thiếu máu và đau mỏi xương, loãng xương, đái tháo đường.
Ăn chay đúng cách có nhiều lợi ích cho sức khỏe
Theo chuyên gia dinh dưỡng, ăn chay đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Dựa trên các báo cáo khoa học về dinh dưỡng, sức khỏe, y học hàng đầu của Mỹ và quốc tế, Viện Dinh dưỡng và Dinh dưỡng học (Academy of Nutrition and Dietetics, Hoa Kỳ) đưa ra kết luận chế độ ăn chay lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng sẽ rất có lợi cho sức khỏe trong việc phòng ngừa bệnh: giảm nguy cơ béo phì, giảm cholesterol, kiểm soát huyết áp, cải thiện tiêu hóa, giảm nguy cơ bệnh tiểu đường, cải thiện tim mạch…
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (cơ sở 3) cho hay khi thực hiện ăn chay nên ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày của mình. Người ăn chay vẫn phải ăn đủ các nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất).
- Chất đạm nguồn gốc từ thực vật như đậu, đỗ, nấm; các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, bơ, phô mai, sữa chua...)
- Chất béo như các loại dầu ép và hạt có dầu.
- Các loại tinh bột/đường như gạo, ngô, khoai.
- Các loại rau, hoa, quả...
Các chuyên gia khuyên người ăn chay nên kiểm tra sức khoẻ định kỳ, tốt nhất là phải có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.