Tại sao các quốc gia châu Á cần học cách "sống chung" với nắng nóng?
Trong những tuần tới, người dân Singapore có thể sẽ hình thành thói quen kiểm tra cảnh báo nhiệt độ mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, trước khi đi làm hoặc đi học.
Theo báo bưu điện Hoa Nam buổi sáng, kịch bản này là điều không tưởng cách đây chưa đầy một thập kỷ. Nhưng đây là điều mà người dân ở trung tâm tài chính châu Á sẽ phải làm quen khi chính quyền thành phố dự kiến đưa ra cảnh báo thường xuyên về thời tiết khắc nghiệt.
Người đàn ông nhảy xuống suối để tránh nóng ở ngoại ô Srinagar, Ấn Độ, ngày 5/7. (Ảnh: EPA-EFE).
Trong tuần qua, các nhà khoa học khí hậu đã xác nhận rằng tháng 7 là tháng nóng nhất trong lịch sử. Quan sát viên của Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết đợt nắng nóng gần đây chưa từng xuất hiện trong hàng nghìn năm và cảnh báo đây chỉ là một phần của khí hậu trong tương lai.
Theo phân tích của Tiến sĩ Karsten Haustein, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Leipzig, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này chỉ xuất hiện vào 120.000 năm trước.
Bộ Phát triển bền vững và Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore cho biết: “Với tình trạng biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Singapore, đang chứng kiến nhiệt độ tăng cao. Do đó, điều quan trọng là người dân phải học cách thích nghi”.
Không chỉ Singapore, nhiều quốc gia khác trên khắp châu Á, cũng phải học cách thích nghi với thời tiết cực đoan, vì khu vực này rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Gần đây, lũ lụt đã quét qua miền bắc Ấn Độ. Trong khi đó, một khu vực ở tỉnh Tân Cương của Trung Quốc đã ghi nhận nhiệt độ 52,2 độ C, phá vỡ kỷ lục trước đó là 50,6 độ C được thiết lập vào năm 2017.
Thời tiết cực đoan xảy ra một phần do El Nino - hiện tượng thời tiết thường làm gián đoạn lượng mưa vài năm một lần. Nhiệt độ ở châu Á có xu hướng tăng lên trong những năm El Nino, thường khiến không khí ẩm hơn và nóng hơn. Các nhà khoa học cho rằng kiểu thời tiết này sẽ trở nên phổ biến, khi con người không ngừng đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.
Bà Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Biến đổi khí hậu và Môi trường Grantham thược Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, nhận định: “Chừng nào con người còn tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch, thì chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan tương tự. Nhưng ngay cả khi con người ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch ngay bây giờ, nhiệt độ cũng sẽ không giảm đi. Vì vậy, chúng ta chắc chắn phải sống chung với những đợt nắng nóng như chúng ta đang trải qua hiện nay”.
Nắng nóng cũng tác động đến sức khỏe của cộng đồng dễ tổn thương, với khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế công cộng còn thấp.
Bà Marina Romanello, Giám đốc điều hành của Lancet Countdown, tổ chức chuyên nghiên cứu về biến đổi khí hậu và sức khỏe, cho biết tỷ lệ tử vong liên quan đến sốc nhiệt đã tăng khoảng 70% trên toàn cầu kể từ đầu những năm 2000.
“Tác động của nắng nóng đến sức khỏe con người là vô cùng lớn. Thời tiết nắng nóng làm suy giảm nghiêm trọng khả năng lao động của nhiều người, như nông dân làm việc tới 12 giờ mỗi ngày trên cánh đồng”, bà Romanello nói và cho biết chỉ riêng trong năm 2021, nhiệt độ tăng cao đã khiến khoảng 470 tỷ giờ làm việc bị mất trên toàn cầu, gây thiệt hại tài chính khoảng 700 tỷ USD.
Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hiện có khoảng 450 triệu nông dân canh tác nhỏ lẻ. Các nhà khoa học cho biết các nước nghèo nhất - như Bangladesh, Nepal, Pakistan và Myanmar - thường là những nước chịu thiệt hại nặng nề của biến đổi khí hậu. Ở các khu vực ven biển dễ bị tổn thương, người dân thường có thu nhập thấp, thiếu mạng lưới an toàn phúc lợi xã hội
Người dân dập lửa rừng ở Kampar thuộc tỉnh Riau, Indonesia năm 2019. (Ảnh: AFP).
Nhiệt độ cao cũng gây ra những mối nguy hiểm khác, bao gồm cả những vụ cháy rừng tàn khốc.
Tuần trước, chính quyền Indonesia cho biết diện tích khu vực dễ bị cháy đã tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ ngày 17 đến ngày 23/7, do thời tiết khô hạn. Điều này đã trở thành một lời nhắc nhở nghiệt ngã về trận cháy rừng kinh hoàng năm 2015, khiến Đông Nam Á bị bao phủ trong khói mù dày đặc suốt 5 tháng.
Cơ quan thời tiết của Indonesia cho biết nước này dự kiến chứng kiến mùa khô khắc nghiệt nhất kể từ năm 2019 vào nửa cuối năm, một phần do hiện tượng El Nino.
Ông Aravindan Srinivasan - Giám đốc hợp tác chuyên đề tại tổ chức phi lợi nhuận Asian Venture Philanthropy Network, hoạt động nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu - cho biết điều kiện nóng ẩm cũng mang đến nguy cơ bùng phát nhiều bệnh do muỗi truyền, như sốt xuất huyết và sốt rét. Những căn bệnh này vốn đã phổ biến ở Đông Nam Á, Nam Mỹ và châu Phi cận Sahara, nhưng hiện đã bắt đầu bùng phát ở những vùng lãnh thổ chưa được khám phá như châu Âu.
Tuy nhiên, châu Á đông dân cư vẫn có nguy cơ cao nhất. Ông Srinivasan chỉ ra rằng 5 trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên thế giới - Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan và Indonesia - đều nằm trong khu vực châu Á.
Ưu tiên sức khỏe của hành tinh
Người dân đổ xô tắm biển giữa thời tiết nắng nóng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. (Ảnh: AFP).
Tổ chức của ông Srinivasan có 600 thành viên, gồm các nhà hảo tâm và các công ty lớn, rất muốn tài trợ cho các chương trình phát điện tái tạo ở châu Á. Tổ chức này đã hoạt động ở Ấn Độ trong 6 tháng qua và có kế hoạch sớm triển khai hoạt động ở Trung Quốc, cũng như ở Đông Nam Á.
Ông Srinivasan cho biết mạng lưới phi lợi nhuận này hợp tác với các doanh nghiệp cấp cơ sở và làm việc với các tổ chức khác nhau cộng tác với chính phủ để đưa ra các chương trình giải quyết vấn đề cho cộng đồng địa phương, như sơn mái nhà giảm nhiệt. Song ông Srinivasan cho biết những sáng kiến này thường cần đến tiền mặt.
“Chúng ta phải xem xét cả hai mặt của vấn đề – giảm thiểu và thích ứng”, ông nói.
Giảm thiểu và thích ứng đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi thời tiết khắc nghiệt khiến nhu cầu điện tăng cao, đe dọa sẽ tạo ra nhiều khí thải hơn.
Gần đây, một số thành phố của Trung Quốc đã phá vỡ kỷ lục tiêu thụ điện. Trong đó, Thượng Hải đa đốt hàng trăm tấn than mỗi giờ để làm mát thành phố. Người dân ở các quốc gia khác, như Việt Nam, cũng phải đối mặt với tình trạng mất điện kéo dài.
Bà Julie Arrighi, Giám đốc Trung tâm Khí hậu Trăng lưỡi liềm đỏ của Hội Chữ thập đỏ tại Hà Lan, cho biết, việc cân bằng giữa nhu cầu năng lượng và giảm lượng khí thải chính là chìa khóa để ngăn chặn các đợt nắng nóng kéo dài và dữ dội hơn.
Người phụ nữ che nắng bằng mũ, khẩu trang và ô, giữa cảnh báo về một đợt nắng nóng ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).
Giới chuyên gia cho hay các nước châu Á thường muốn chuyển sang sử dụng năng lượng từ than đá, vì nhiên liệu này sẵn có trong khu vực, nhưng chiến lược này chứa đầy rủi ro.
Ông Grant Hauber, cố vấn tài chính năng lượng chiến lược tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, giải thích các cơ sở nhiệt điện - những cơ sở vận hành bằng năng lượng được sản xuất bởi nồi hơi, thường được cung cấp nhiên liệu bằng than hoặc khí đốt - không hoạt động hiệu quả trong thời tiết quá nóng.
Ông lưu ý rằng các cơ sở này thường bị giảm công suất khi trời rất nóng. Theo Tổ chức tư vấn năng lượng Ember, khoảng 62% điện năng trên thế giới đều từ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2021.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng về lâu dài, châu Á có thể sẽ chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng xanh.
“Ngày càng có nhiều năng lượng tái tạo có thể lấp đầy khoảng trống nguồn cung”, ông Hauber cho biết. Đồng thời, ông lưu ý rằng năng lượng Mặt Trời đã trở thành cứu tinh cho các hộ gia đình trong thời gian mất điện giữa thời tiết nóng như thiêu đốt ở bang Texas (Mỹ) vào tháng trước.