Chuyên gia cho biết: Ăn chuối, khoai lang giúp hạ huyết áp tốt hơn cắt giảm muối
Một nghiên cứu tại Viện Y tế toàn cầu George cho thấy ăn chuối hoặc khoai lang có tác dụng hạ huyết áp hiệu quả hơn là giảm lượng muối ăn vào.
Theo báo Telegraph của Anh, các nhà khoa học phát hiện tiêu thụ thêm 1g kali/ngày - tương đương hai quả chuối cỡ trung bình, một chén rau bina hoặc một củ khoai lang lớn - có thể là cách đơn giản để giải quyết vấn đề cao huyết áp.
Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia từ Viện Y tế toàn cầu George tại Đại học Hoàng gia London (Anh) đã phân tích dữ liệu từ nghiên cứu về đột quỵ và thay thế muối. Nghiên cứu này đã dành 5 năm để theo dõi 20.995 người ở Trung Quốc bị đột quỵ hoặc người trên 60 tuổi bị huyết áp cao.
Các nhà khoa học phát hiện tiêu thụ thêm 1g kali/ngày, tương đương hai quả chuối cỡ trung bình, có thể giúp giảm nguy cơ cao huyết áp - (Ảnh: TELEGRAPH).
Trong nghiên cứu, một nửa số người tham gia tiếp tục sử dụng muối ăn thông thường khi nấu ăn, nửa còn lại được cho dùng "muối thay thế", trong đó 1/4 lượng muối natri clorua được thay bằng kali clorua.
Kết quả cho thấy những người tiêu thụ muối giàu kali có mức huyết áp thấp hơn cũng như giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.
Phân tích mới được công bố trên tạp chí The Journal of Human Hypertension hôm 21-2 cho thấy có tới 80% huyết áp giảm là do tăng kali chứ không phải do giảm lượng muối ăn vào.
Đây là nghiên cứu đầu tiên so sánh trực tiếp lợi ích của natri clorua - kali clorua và dựa vào chỉ số natri và kali trong nước tiểu của người tham gia để xác định lượng tiêu thụ.
Nghiên cứu ghi nhận việc tăng lượng kali hằng ngày làm giảm mức huyết áp tâm thu trung bình là 2mm thủy ngân (mm Hg).
Khi phân tích sâu hơn, họ phát hiện việc tăng tiêu thụ kali giúp giảm khoảng 10% nguy cơ đột quỵ, trong khi giảm lượng muối ăn chỉ giúp giảm khoảng 4% nguy cơ này.
Tiến sĩ Polly Huang, tác giả chính của nghiên cứu từ Viện George, cho biết: “Lượng natri cao và lượng kali thấp đang phổ biến. Cả hai đều có liên quan đến huyết áp cao và nguy cơ đột quỵ, bệnh tim và sinh non cao hơn. Sử dụng chất thay thế muối trong đó một phần natri clorua được thay thế bằng kali clorua sẽ giải quyết được cả hai vấn đề cùng một lúc”.
Các chuyên gia quốc tế hiện đang đề nghị xem xét lại khuyến cáo chính thức về huyết áp cao, trong đó đề xuất tăng lượng kali cho cơ thể.
Một chương trình hợp tác toàn cầu của các nhà nghiên cứu từ Mỹ, Úc, Nhật Bản, Nam Phi và Ấn Độ cũng kêu gọi bổ sung kali vào các hướng dẫn y tế quốc tế.
Ăn quá nhiều kali có sao không?
Thông thường, đối với người trưởng thành, các chuyên gia y tế khuyến nghị ăn đủ 3,5g kali/ngày và tối đa 6g muối/ngày.
Kali được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm các loại rau lá xanh, các loại đậu và các loại hạt, nhưng số lượng thường giảm đi trong quá trình chế biến.
Quá nhiều kali có thể dẫn đến tăng kali máu, ảnh hưởng đến chức năng tim. Tuy nhiên các chuyên gia cho hay tình trạng này rất hiếm gặp và chỉ xảy ra ở người tiêu thụ quá nhiều kali, chẳng hạn ăn hàng trăm quả chuối trong một lần.