Cóc giả dạng rắn hổ lục để dọa kẻ thù
Cóc khổng lồ Congo bắt chước hình dáng và hành vi của rắn hổ lục Gaboon kịch độc nhằm tránh bị động vật săn mồi ăn thịt.
Tiến sĩ Eli Greenbaum tại Đại học Texas ở El Paso và cộng sự quan sát hành vi của cóc khổng lồ Congo (Sclerophrys channingi) suốt 10 năm và phát hiện chúng dựa vào bắt chước kiểu Bates để sinh tồn. Bắt chước kiểu Bates là cách một loài vô hại tránh bị ăn thịt bằng cách nhại theo động vật nguy hiểm hoặc có nọc độc.
Cóc khổng lồ Congo (trái) và rắn hổ lục Gaboon (phải). (Ảnh: New Scientist).
Nhóm nghiên cứu phát hiện nhiều điểm giống nhau về hình dáng giữa loài cóc sống trong rừng mưa thuộc vùng trung tâm châu Phi và rắn hổ lục phân bố rộng ở phía đông và nam châu lục. Sử dụng mẫu vật bắt được khi đi thực địa và mẫu vật bảo quản ở bảo tàng, họ nhận thấy màu sắc và hình dáng cơ thể cóc tương tự đầu rắn hổ lục. Những đặc điểm nổi bật nhất là hai chấm màu nâu sẫm và sọc dài chạy dọc lưng cóc, cơ thể hình tam giác và đường màu nâu ở hai bên sườn. Cóc khổng lồ Congo cũng có lớp da trơn nhẵn giống da rắn. Do rắn hổ lục Gaboon có nhát cắn chí mạng, do đó động vật ăn thịt sẽ tránh con cóc có hình dáng giống loài rắn này để đảm bảo an toàn.
Nếu rắn hổ lục Gaboon cảm thấy bị đe dọa, nó sẽ cúi đầu xuống và phát ra tiếng rít to dài trước khi tấn công. Nhà bò sát học Chifundera Kusamba ở Congo từng quan sát cóc khổng lồ Congo tạo ra âm thanh tương tự.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện cóc khổng lồ Congo dường như không sinh sống ở những nơi vắng mặt rắn hổ lục Gaboon. Họ xác định 11 địa điểm ở rừng mưa phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi môi trường sống của hai loài trùng lặp. Nhóm nghiên cứu cho rằng chúng tiến hóa lần đầu ở cùng thời điểm vào đầu thế Thượng Tân cách đây 4 - 5 triệu năm, dẫn tới hành vi bắt chước ở cóc.