Công nghệ giúp SpaceX chiến thắng Boeing
Việc áp dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí đã giúp SpaceX của tỷ phú Elon Musk đánh bại gã khổng lồ Boeing trong cuộc đua bay vào không gian.
Ngày 4/10/2016, tại hội thảo về tiến bộ công nghệ "What's Next", CEO Boeing Dennis Muilenburg khẳng định: "Tôi tin chắc người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa sẽ du hành bằng tên lửa của Boeing".
Năm 2019, trong một chương trình của CNBC, khi được hỏi liệu Boeing có thắng được SpaceX trong cuộc tới sao Hoả, Muilenberg tiếp tục nhắc lại tuyên bố này. Ngay lập tức, Elon Musk đã lên Twitter và đáp trả bằng một câu ngắn gọn: "Do it" (Hãy làm đi). Boeing sau đó nhận lời thách đấu với lời đáp: "Game on" (Cuộc đua bắt đầu).
Một năm sau, chặng đua quan trọng nhất trong cuộc đua tiến về sao Hoả đã kết thúc. Người chiến thắng là Elon Musk khi SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa con người vào vũ trụ. Sự kiện cũng đánh dấu sau gần một thập kỷ, Mỹ có thể đưa phi hành gia bay vào vũ trụ mà không phải nhờ đến Nga. Từ đây, SpaceX cũng chính thức gia nhập câu lạc bộ siêu không gian có người lái với hai thành viên trước đó là Nga và Trung Quốc.
Đây chỉ là một bước nhỏ trong lịch sử khai phá không gian của con người, nhưng là chương đầu tiên trong kỷ nguyên mới của hàng không vũ trụ thương mại. SpaceX của Musk đã chứng minh sức mạnh so với gã khổng lồ Boeing về công nghệ, chi phí và hiệu quả.
Tất nhiên, thành công của SpaceX không thể vắng sức mạnh kinh tế do chính phủ Mỹ hỗ trợ. Nhưng nếu nhìn lại hành trình khởi nghiệp của công ty, ngay từ đầu, SpaceX đã luôn thiệt thòi hơi đối thủ Boeing trong các lần rót vốn.
Sự việc bắt đầu từ khi chính quyền Tổng thống Bush không chấp nhận ngân sách ngày càng tăng từ NASA và quyết định tự do hoá ngành công nghiệp hàng không vũ trụ từ năm 2004. Bush cũng đề ra "Chương trình phi hành đoàn thương mại, tận dụng lợi thế ban đầu từ chính phủ". NASA sẽ công bố nhu cầu thám hiểm không gian của mình, họ đầu tư một phần tiền rồi chuyển giao công nghệ và thiết kế cho các công ty tư nhân.
Ngoài khoản đầu tư của NASA, các công ty phải tự thân vận động. Để có được dự án, họ sẽ đấu thầu. Những công ty đầu tiên bao gồm: Boeing, SpaceX, BlueOrigin và Sierra Nevada.
Tháng 9/2014, NASA đã chọn Boeing và SpaceX để chia tổng cộng 6,8 tỷ USD trong các hợp đồng dự án không gian có người lái, giá lần lượt là 4,3 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Trước đó, Boeing đã nhận được hợp đồng trị giá 4,8 tỷ USD từ NASA và SpaceX nhận được 3,14 tỷ USD.
Điều này gây nên nhiều tranh cãi vì hầu như không nhiều người tin SpaceX có thể đánh bại Boeing. NASA thậm chí bị Quốc hội Mỹ điều trần về việc tại sao lại chọn hai công ty cho nhiệm vụ này trong khi có thể làm theo cách đơn giản hơn là bàn giao cho Boeing. Musk sau đó cũng khiếu nại về số tiền được chia không đều cho các công ty. Ông từng chế giễu Boeing trên Twitter rằng: "Phải mất 10 năm để Boeing có thể cải thiện 10% máy bay của họ và tiêu tốn đến 20 tỷ USD".
Khoản tiền NASA rót về là một khoản cố định. Có nghĩa là các công ty tư nhân phải tự cân bằng chi phí. Đây là khó khăn nhưng cũng là lợi thế của một startup như SpaceX. Nếu hoạt động như Boeing, họ có thể đã phá sản từ lâu. Ban đầu, để tiết kiệm chi phí, SpaceX mua các bộ phận đã qua sử dụng về tái chế lõi tên lửa.
Đến năm 2017, trong một bài thuyết trình về mẫu tàu vũ trụ mới có khả năng tái sử dụng hoàn toàn, Musk nói: "Nó từng có tên gọi là Hệ thống Vận tải liên hành tinh, nhưng tôi sẽ gọi nó là BFR. Khác biệt lớn nhất của BFR là bồn chứa nhiên liệu dành cho vũ trụ được cấu thành từ sợi carbon với khả năng chịu được áp lực cao. Nó bị thổi bay lên cao 100 mét trong không trung trước khi rơi xuống biển", Musk mô tả lại một phần thí nghiệm và nhấn mạnh chất liệu mới giúp tên lửa nhẹ hơn và hiệu quả hoạt động cao hơn.
Mô phỏng quá trình tiếp nhiên liệu của SpaceX.
Ngoài ra, tên lửa của BFR còn sở hữu một công nghệ không tưởng khác: tiếp nhiên liệu trong không gian. Trong nhiều năm, SpaceX đã thử nghiệm công nghệ này với tàu vũ trụ Dragon và trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong mỗi chuyến chuyển hàng tiếp tế. Tàu Dragon cho SpaceX cơ hội nghiên cứu các tấm chắn nhiệt để bảo vệ BFR khi nó trở lại khí quyển. Trong khi Falcon 1 chỉ dùng được một lần, Falcon 9 có thể tái sử dụng 70%, thì tên lửa của BFR sẽ được tái sử dụng 100%. Tải trọng lớn, tái sử dụng tối đa giúp giá thành rẻ đáng kể.
Bằng việc áp dụng hàng loạt công nghệ hiện đại, BFR không chỉ phục vụ sứ mệnh chinh phục sao Hoả mà còn có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, nhưxây dựng căn cứ trên mặt trăng, tiếp hàng cho ISS hay đơn giản nhất là đưa con người di chuyển khắp thế giới với tốc độ siêu nhanh.
Ngoài nhiệm vụ đưa vệ tinh vào quỹ đạo, Elon Musk còn mô tả BFR có khả năng lang thang trong quỹ đạo trái đất để thu những mảnh vỡ trôi nổi hoặc những vệ tinh hết hạn sử dụng. Giá thành cho những nghiệm vụ này sẽ rất rẻ, trái ngược với những sứ mệnh chinh phục không gian của Nga, Mỹ hay Trung Quốc đã làm trước đó. Để chứng minh sức mạnh và độ an toàn của của các tên lửa. Musk thậm chí đã cho nổ tung tên lửa đẩy Falcon 9 trị giá 50 triệu USD để thử nghiệm.
Musk đã chứng tỏ sức mạnh công nghệ của mình bằng việc đưa hai phi hành gia người Mỹ vào không gian bằng tên lửa do SpaceX chế tạo hôm 31/5. Việc áp dụng công nghệ hiện đại theo những cách phi truyền thống đã đem lại hiệu quả không tưởng, biến SpaceX thành một trong những startup giá trị nhất thế giới.
Với những ý tưởng "điên rồ", CEO Elon Musk đã đánh bại gã khổng lồ Boeing trong cuộc đua đưa người vào không gian. (Ảnh: Rex Features).
Trong khi đó gã khổng lồ Boeing không bị áp lực về kinh tế như SpaceX. Họ vẫn duy trì nhịp điệu công việc khi thực hiện các dự án lớn của chính phủ. Năm ngoái, máy bay chở khách liên hành tinh của Boeing đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm không người lái. Do sự cố phần mềm, máy bay của họ đã sai quỹ đạo và không đến được trạm vũ trụ do thiếu nhiên liệu. Nếu mọi việc tốt đẹp, Boeing hi vọng đưa phi hành gia lên trạm vũ trụ vào năm tới, ít nhất là sau SpaceX một năm.
Ngoài các dự án bay không gian có người lái thương mại, NASA cũng thất vọng với Boeing trong các dự án khác. Boeing là nhà thầu chính của dự án Hệ thống phóng không gian (SLS) năm 2010 của NASA, nhưng Boeing không chỉ chậm tiến độ trong nghiên cứu và phát triển tên lửa SLS, mà còn trì hoãn giao hàng nhiều lần. Thời gian giao hàng đã bị dời từ năm 2017 đến nay trong khi ngân sách tiếp tục tăng. Khi Boeing có dự án, Musk cũng công khai phàn nàn rằng NASA không công bằng với ông.
Boeing hiện gặp khó khăn ở cả nội bộ lẫn bên ngoài. Năm ngoái, hai vụ tai nạn máy bay chở khách 737 Max liên tiếp đã gây thiệt hại lớn cho hãng. Đại dịch năm nay cũng ảnh hưởng nặng nề đến ngành hàng không toàn cầu. Boeing phải sa thải nhiều nhân viên và tìm kiếm sự cứu trợ của chính phủ. Giá trị thị trường của hãng này đã giảm 60%, chỉ còn hơn 80 tỷ USD.
Thành công của SpaceX không chỉ giáng một đòn nặng nề vào tinh thần của Boeing, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh hàng không vũ trụ tiếp theo của họ. Trong danh sách các đối tác của NASA, SpaceX hiện đứng trước Boeing và dự kiến sẽ dẫn đầu trong các hợp đồng lớn trong tương lai.
Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của SpaceX nằm ở việc áp dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí. Báo cáo thống kê của NASA cho hay giá cho mỗi vé bay vào không gian của SpaceX là 55 triệu USD, trong khi Boeing là 90 triệu USD. NASA từng trả cho Nga 86 triệu USD để đưa một phi hành gia bay vào vũ trụ. Tính trung bình, giá của Boeing cao hơn 60% so với SpaceX.
SpaceX và Boeing không chỉ cạnh tranh trong các chuyến bay thương mại vào vũ trụ. Năm 2014, SpaceX cũng phản đối Không quân Mỹ, cáo buộc dự án tên lửa của Lầu Năm Góc đấu thầu không công bằng. Sau đó Musk giành được một hợp đồng quân sự với Nhà Trắng.
Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Musk nói, những gã khổng lồ như Boeing quá kiêu ngạo. Đáp lại, Boeing nói: "Trước khi Musk bước vào lĩnh vực này, Boeing đã hợp tác với NASA để xây dựng trạm vũ trụ. Khi những người khác thảo luận về ước mơ và hi vọng, chúng tôi đã đạt được những thành tựu trong không gian và chúng tôi cũng sẽ cam kết giúp Mỹ đạt được mục đích tiến đến sao Hoả".
Thành công hiện tại không có nghĩa SpaceX đã độc quyền thị trường hàng không vũ trụ thương mại. Các đối thủ như Boeing và Blue Origin cũng đang chạy đua công nghệ và sớm bắt kịp trong tương lai.