"Cung Điện Rồng" từ vũ trụ đã và đang rải sự sống đi khắp nơi?
Những hạt mầm của dạng sự sống y hệt như Trái đất tồn tại một cách đáng ngạc nhiên ngay trên lớp bề mặt của Cung Điện Rồng - tiểu hành tinh Ryugu mà Nhật Bản đã lấy mẫu thành công.
Một phân tích mới về mẫu thiên thạch Ryugu - tức "Cung Điện Rồng" trong thần thoại Nhật Bản - cho thấy nó chứa nhiều "chất hữu cơ tiền sinh học", bao gồm một số axit amin mà các sinh vật sống của Trái đất sử dụng để tạo ra các protein cần thiết nhằm điều chỉnh các phản ứng sinh hóa, hình thành các cấu trúc như tóc và cơ.
Theo tờ Space, những phát hiện này đã làm tăng thêm độ tin cậy cho giả thuyết các thành phần cơ bản để khởi động chuỗi phát triển của sự sống địa cầu đã đến từ các tiểu hành tinh và sao chổi.
Một nhà khoa học Nhật Bản đang phân tích mẫu từ "Cung Điện Rồng" - (Ảnh: JAXA).
"Sự hiện diện của các phân tử tiền sinh học trên bề mặt tiểu hành tinh bất chấp môi trường khắc nghiệt do sự đốt nóng của Mặt Trời và bức xạ cực tím, cũng như bức xạ vũ trụ trong điều kiện chân không cao, cho thấy các hạt bề mặt trên cùng của Ryugu có khả năng bảo vệ các phân tử hữu cơ" - tác giả chính Hiroshi Naraoka từ Đại học Kyushu, cho biết.
Việc tồn tại trên bề mặt chứ không chỉ là vật liệu hữu cơ trộn lẫn trong vật liệu một tiểu hành tinh đã nâng tầm quan trọng của "Cung Điện Rồng" từ lâu đã được biết là giàu "mầm sự sống" này.
Tiến sĩ Naraoka giải thích thêm: "Những phân tử này có thể được vận chuyển khắp hệ Mặt TRời, có khả năng phân tán dưới dạng các hạt bụi liên hành tinh sau khi bị đẩy ra khỏi lớp trên cùng của tiểu hành tinh do tác động hoặc các nguyên nhân khác".
Điều này làm tăng khả năng những hạt mầm của sự sống đến được các hành tinh như Trái đất: Không nhất thiết cả tiểu hành tinh phải đâm vào địa cầu sơ khai, chỉ cần những hạt bụi từ nó được rải khắp nơi bởi chuỗi va chạm không ngừng nghỉ của Hệ Mặt trời trẻ tuổi là đủ.
Trên Ryugu không chỉ có phần tử hữu cơ thông thường mà còn có dạng "phân tử tiền sinh học" được hình thành khi có nước dạng lỏng, một phần "cao cấp" hơn cho tiến trình hình thành sự sống.
"Cho đến nay, axit amin được tìm thấy từ Ryugu hầu hết phù hợp với những gì đã thấy ở các loại thiên thạch giàu carbon đã tiếp xúc với nhiều nước nhất trong không gian" - đồng tác giả Jason Dworkin từ Trung tâm Chuyến bay không gian Goddard của NASA cho biết.
Các nhà khoa học thế giới vẫn tiếp tục phân tích mẫu Ryugu - vốn được chia nhỏ cho nhiều nhóm khác nhau ở nhiều quốc gia khác nhau - để tìm kiếm những thứ gần gũi với ADN và ARN hơn, nhằm củng cố lý thuyết ngày một được hiện thực hóa: Chúng ta vốn có nguồn gốc từ vũ trụ.
Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Science.