Cuộc đời người đoạt giải Nobel bị nhân viên tẩy chay
William Shockley đoạt giải Nobel nhưng được mệnh danh là nhà lãnh đạo tệ nhất Thung lũng Silicon, bị ghét bỏ và kết thúc cuộc đời trong cô độc.
Ít nhà khoa học nào có tài năng như William Shockley, cũng chẳng mấy ai gây tranh cãi như ông.
Shockley sinh năm 1910 tại London (Anh), có bố làm kỹ sư khai thác mỏ biết 8 ngôn ngữ và mẹ là nữ giám định viên mỏ đầu tiên ở Mỹ, từng tốt nghiệp Đại học Stanford. Lên ba tuổi, Shockley theo gia đình về Palo Alto, California.
Từ nhỏ, Shockley đã bộc lộ tính cách nóng nảy. Cậu bé ngày đó học tại nhà đến năm 8 tuổi, một phần vì bố mẹ thông minh, một phần vì không thể kiểm soát cơn giận.
"Thằng bé hầu như chỉ biểu lộ duy nhất một cảm xúc là tức giận", bố Shockley viết trong một lá thư.
Nhà khoa học William Shockley. (Ảnh: Stanford).
Lên cấp ba, Shockley thể hiện rõ tài năng khoa học và sự kiêu ngạo. Fred Seitz, bạn thời thơ ấu của Shockley và cũng là một nhà khoa học nổi tiếng, chia sẻ: "Có hai điều ở cậu ấy khiến tôi rất ấn tượng. Đầu tiên, đó là khả năng sáng tạo, tìm kiếm các vấn đề cốt lõi và làm rõ chúng một cách rõ ràng. Thứ hai, đó là sự kiêu ngạo. Cậu ấy cho mình là người quan trọng nhất và nghĩ rằng xã hội phải được lãnh đạo bởi một cá nhân tinh hoa".
Shockley lấy bằng Cử nhân Khoa học tại Viện Công nghệ California năm 1932 và bằng tiến sĩ ở Viện Công nghệ Massachusetts năm 1936. Học xong, ông tham gia nhóm nghiên cứu ở Bell Labs, New Jersey. Ông xuất bản nhiều bài báo về vật chất rắn, đến năm 1938 nhận bằng sáng chế đầu tiên về thiết bị phóng điện tử.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Shockley có nhiều đóng góp về lĩnh vực Vận trù học. Áp dụng kỹ thuật thống kê, ông tăng đáng kể hiệu quả của công cuộc săn tàu ngầm Đức ở Đại Tây Dương. Tuy vậy, nỗi ám ảnh chiến tranh khiến Shockley từng có ý định tự tử và ngày càng xa lánh vợ, Jean.
Chiến tranh kết thúc, Bell Labs giao cho Shockley phụ trách nghiên cứu chất bán dẫn. Sau hai năm, hai nhân viên xuất sắc dưới quyền Shockley là John Bardeen và Walter Brattain phát hiện ra bóng bán dẫn. Theo tác giả Joel N. Shurkin trong cuốn Broken Genius: The Rise and Fall of William Shockley, Creator of the Electronic Age, điều này đã thay đổi cuộc đời Shockley. Lo sợ mình không được ghi nhận công lao, nhà khoa học cô lập bản thân, cạnh tranh với chính đội nhóm của mình và phát minh ra bóng bán dẫn lưỡng cực.
Từ trái sang: John Bardeen, William Shockley và Walter Brattain. (Ảnh: Research Gate).
Thành công của Shockley không làm giảm căng thẳng giữa ông và đồng nghiệp. "Mỗi lần ai đó đưa ra ý tưởng mới, ông ấy lại nói rằng ý tưởng đó có trong sổ ghi chép của mình", John L. Moll, một nhà khoa học từng làm việc tại Bell Labs tiết lộ.
Bardeen và Brattain không còn muốn làm việc dưới trướng Shockley. Trong khi đó, Shockley cảm thấy mình không được ghi nhận và trả lương xứng đáng. Ông nói với bạn bè về khao khát lập công ty riêng để thu về hàng triệu USD. Cũng thời điểm này, Shockley ly dị người vợ đang chiến đấu với ung thư và cưới một y tá tên Emmy Lanning.
Năm 1955, Shockley ký hợp đồng với triệu phú Arnold O. Beckman để thành lập Phòng thí nghiệm Bán dẫn Shockley ở California. Beckman cam kết tài trợ cơ sở nghiên cứu và trang thiết bị cho Shockley.
Dù hống hách và kiêu ngạo, Shockley lại sở hữu khả năng phát hiện nhân tài cùng tài thuyết phục. Vì thế, nhiều nhà khoa học trẻ, dù đã được cảnh báo về nhà quản lý ngang ngược, vẫn quyết tâm gia nhập Phòng thí nghiệm bán dẫn Shockley.
Phòng thí nghiệm bán dẫn Shockley với đội ngũ nhân viên đa ngành gồm các nhà vật lý, hóa học, kỹ sư đã gieo mầm cho ngành công nghiệp ở Thung lũng Silicon. Chẳng bao lâu, đội ngũ nhân viên nhận ra mặt trái khi làm việc với Shockley. Thay vì để nhân viên chủ động với công việc, Shockley liên tục can thiệp và chỉ trích.
"Mới đầu, ông ấy coi bạn là người tuyệt vời nhất thế giới. Dần dần, tầm quan trọng của bạn đi xuống. Từ chỗ khen bạn thông minh, ông ấy chuyển sang nói bạn làm việc cũng khá rồi nghi ngờ bạn. Cuối cùng, ông ấy khẳng định bạn không làm được việc", C. Sheldon Roberts, nhà khoa học từng làm việc dưới quyền Shockley kể.
Tháng 11/1956, 9 tháng sau khi thành lập cơ sở nghiên cứu riêng, Shockley đồng nhận giải Nobel Vật lý nhờ công trình nghiên cứu về chất bán dẫn và phát hiện hiệu ứng bóng bán dẫn với Bardeen và Brattain.
Vài tuần trôi qua, không khí tại Phòng thí nghiệm Shockley trở nên nặng nề chưa từng thấy. Danh tiếng khiến Shockley càng độc đoán và khó chịu. Bên cạnh đó, các nhân viên nhận ra tinh thần của Shockley rất bất ổn.
Một lần, nữ nhân viên tại phòng nghiên cứu bị vật sắc cứa vào tay. Shockley nghi ngờ có ai đó phá hoại cơ sở của mình nên yêu cầu toàn bộ nhân viên kiểm tra với máy nói dối.
Lần khác, chủ đầu tư Arnold Beckman tới gặp Shockley, thông báo phòng thí nghiệm phải thay đổi cách làm việc để tiết kiệm chi phí. Nghe vậy, Shockley hét lên giận dữ: "Tôi có thể đem cả nhóm đi và làm việc ở bất cứ đâu". Các nhân viên lâu năm ngạc nhiên trước khả năng tự lừa dối của Shockley: sự thật là chẳng ai trong số họ muốn đi theo nhà lãnh đạo này nữa.
Không thể tiếp tục chịu đựng Shockley, giữa năm 1957, tám nhân viên bao gồm Julius Blank, Victor Grinich, Jean Hoerni, Eugene Kleiner, Jay Last, Gordon Moore, Robert Noyce và Sheldon Roberts quyết định bỏ việc. Trước đó, họ đã tìm gặp Arnold Beckman để xin thay quản lý nhưng bị từ chối.
Nhờ tìm được nhà đầu tư, tám nhân viên trên tự mở công ty riêng, lấy tên là Công ty chất bán dẫn Fairchild.
"Tám kẻ phản bội" rời bỏ Shockley. (Ảnh: Medium).
Shockley gọi đây là sự phản bội, tám nhân viên cũ trở thành "tám kẻ phản bội". Tuy nhiên, trong khi phòng thí nghiệm của Shockley không thể "phất" lên, Fairchild lại ăn nên làm ra. Sau hai năm, nhân viên công ty này tăng từ 8 lên 4.000 người. Năm 1960, doanh thu của Fairchild là 130 triệu USD.
Thất vọng vì tình hình kinh doanh, Arnold Beckman bán Phòng thí nghiệm bán dẫn Shockley. Năm 1963, Shockley nhận lời mời giảng dạy ở Đại học Stanford. Ông tiếp tục gây tranh cãi vì đưa ra lý thuyết về mối quan hệ giữa trí thông minh và di truyền. Năm 1965, Shockley chỉ trích các chương trình cứu trợ và phúc lợi xã hội đã ngăn cản chọn lọc tự nhiên "loại bỏ phần dân số ở đáy". Nhà khoa học còn khẳng định IQ của người da màu không cao bằng IQ người da trắng.
Shockley thậm chí công khai hạ thấp ba đứa con của mình, dù hai trong số họ tốt nghiệp đại học Radcliffe và Stanford. "Mẹ chúng, vợ đầu của tôi, không đạt thành tích học tập cao như tôi", nhà khoa học nói.
Shockley bị đồng nghiệp, bạn bè ghét bỏ và xa lánh. Năm 1989, ông bị ung thư tuyến tiền liệt. Lúc hấp hối, bên cạnh nhà khoa học chỉ có vợ. Các con Shockley đọc tin bố mất qua báo.
"Ông ấy chết trong cô độc", Joel Shurkin, tác giả cuốn tiểu sử chưa xuất bản của Shockley, nhận định. "Cuộc đời ông ấy giống như bi kịch trong thần thoại Hy Lạp, nhưng không có sự cứu rỗi ở cuối".