Cuộc săn lùng sự sống ở nơi được mệnh danh "sao Hỏa trên Trái đất"
Việc tìm thấy những vi khuẩn ẩn sâu dưới lòng đất ở sa mạc Atacama có thể mở ra hy vọng cho việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa.
Khi nhắc đến sao Hỏa, chúng ta nghĩ ngay đến một hành tinh cằn cỗi, với những sa mạc khô và nóng. Trên thực tế, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều điểm chung về khí hậu giữa sao Hỏa và một số sa mạc khắc nghiệt trên Trái đất.
Kỳ thực, điều này đã là động lực giúp họ mở một cuộc tìm kiếm sự sống tại sa mạc Atacama (Chile), nơi được mệnh danh như "sao Hỏa trên Trái đất".
Xe tự hành của NASA thực hiện một số sứ mệnh trên sa mạc Atacama nhằm mô phỏng môi trường trên sao Hỏa (Ảnh: Stephen Pointing).
Hành tinh Đỏ ngay trên Trái đất?
Atacama là một sa mạc nằm ở phía bắc Chile và một phần nhỏ ở phía nam Peru. Nơi này cực đoan đối với sự sống.
Đầu tiên, đây là nơi khô hạn nhất trên Trái đất, với lượng mưa trung bình ít hơn 50 mm trong một năm. Hàng năm, Atacama chỉ có mực nước mưa trung bình là 25 mm. Thậm chí, tại một số khu vực nằm giữa hoang mạc này, mưa chưa bao giờ rơi, hoặc chỉ xảy ra sau hàng thập kỷ.
Không những thế, trên sa mạc này cây xương rồng cũng không thể mọc lên được. Vì không khí quá khô, quá trình oxy hóa không xảy ra ở những vật liệu bằng kim loại.
Brian Glass, người phụ trách một nghiên cứu thử nghiệm của NASA, từng nói rằng: "Nếu không may bị va vào một tảng đá ở sa mạc Atacama khiến bạn chảy máu, thì cũng chẳng lo nhiễm trùng, bởi ở đó mầm bệnh không thể tồn tại".
Tóm lại, sự mục rữa không thể xảy ra đối với bất cứ một thứ gì ở hoang mạc không có hơi nước này. Ngoài ra, những yếu tố khác như việc có cao độ lớn hay đất nhiễm mặn, cũng khiến môi trường nơi đây trở nên vô cùng độc hại với sự sống.
Vẻ đẹp hoang sơ của sa mạc Atacama. (Ảnh: Getty).
Tuy nhiên, GS. Stephen Pointing tại Đại học Yale-NUS, Singapore, lại cho rằng, vẫn có những vi khuẩn tồn tại dưới khả năng sinh sống tại sa mạc Atacama. Chúng nằm ở bên sâu bên dưới lớp đất và cát nóng bỏng, và có thể mở ra triển vọng cho việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa.
Để hiện thực hóa ý tưởng này, nhóm của GS. Pointing đã triển khai một thiết bị lấy mẫu và khoan gắn kèm xe tự hành ở sa mạc Atacama để thu thập các mẫu đất chứa vi khuẩn ở độ sâu khoảng 80 cm.
Thông qua giải trình tự DNA, các nhà nghiên cứu xác nhận sự tồn tại của một số vi khuẩn khỏe mạnh. Cuộc thử nghiệm này làm dấy lên hy vọng rằng nếu vi khuẩn cũng phát triển ngay bên dưới bề mặt sao Hỏa, thì một robot có thể tìm thấy chúng.
"Những kết quả này là cơ sở cho sự lạc quan rằng sự sống của vi khuẩn có thể chịu đựng được các điều kiện dưới bề mặt sao Hỏa", GS. Pointing cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo sẽ rất khó khăn đối với các xe tự hành sao Hỏa do chúng được vận hành từ xa. Bên cạnh đó, còn tồn tại những khó khăn trong việc vận chuyển và phân tích các mẫu vi khuẩn này.
Ông ví quá trình này sẽ giống như "mò kim đáy bể" khi nói về tìm kiếm vi khuẩn, thứ đại diện cho sự sống trên sao Hỏa, dù vẫn có hy vọng.
Sự sống tiềm ẩn dưới lòng đất
Xe tự hành đào xuống lòng đất để tìm kiếm các vi khuẩn. (Ảnh: Stephen Pointing).
Nếu sự sống của vi sinh vật được tìm thấy trên sao Hỏa, chắc chắn đó sẽ là khám phá khoa học quan trọng nhất trong lịch sử loài người.
Trên thực tế, nguyên nhân khiến chúng ta chưa thể tìm thấy sự sống là do các robot tự hành mới chỉ hoạt động ở phần bề mặt của các hành tinh, thay vì tiến sâu vào lòng đất.
Theo GS. Pointing, với độ sâu ngày càng tăng, cộng đồng vi khuẩn có thể trở nên phổ biến hơn, bởi vi khuẩn có thể phát triển mạnh trong đất, dẫu ở môi trường khắc nghiệt như cực kỳ nhiễm mặn hay kiềm.
"Mọi thứ bắt đầu trở nên thú vị hơn rất nhiều, và thực sự là xa lạ hơn, ngay bên dưới lớp bề mặt", ông nói.
Việc phát hiện ra khí methane trong bầu khí quyển của sao Hỏa cũng là một yếu tố quan trọng để tiếp thêm năng lượng cho những cuộc tìm kiếm sự sống.
Được biết, trên Trái đất, nhiều quá trình sinh học và địa chất có thể tạo ra khí methane. Và ngay cả các vi khuẩn cũng có thể chuyển hóa khí methane thành năng lượng.
Do vậy, việc tìm thấy các vi khuẩn chuyên hóa cao phát triển trong môi trường đất cực kỳ khô, mặn và kiềm ở sa mạc Atacama, sẽ là bằng chứng cho thấy vi khuẩn sử dụng khí methane cũng có thể phát triển mạnh trên Hành tinh Đỏ.