Đan Mạch phát hiện chữ viết cổ nhất vùng Scandinavia trên con dao 2.000 năm tuổi
Ngày 23/1, Bảo tàng Odense của Đan Mạch thông báo các nhà khảo cổ nước này đã tìm thấy một con dao nhỏ khắc chữ viết rune, có niên đại tới 2.000 năm. Đây là dấu tích về chữ viết cổ nhất của vùng Scandinavia được tìm thấy ở quốc gia này.
Nhà khảo cổ học Jakob Bonde cho biết trên lưỡi con dao cổ có 5 chữ rune và chúng là những chữ cổ nhất mà các nhà khảo cổ có được ở Đan Mạch.
Các nhà khảo cổ nước này đã tìm thấy một con dao nhỏ khắc chữ viết rune. (Ảnh minh họa: AFP).
Con dao sắt có niên đại khoảng 150 năm Sau Công nguyên được tìm thấy trong ngôi mộ ở nghĩa trang phía Đông thành phố Odense, miền Trung Đan Mạch. Năm chữ rune đánh vần của từ "hirila", trong ngôn ngữ Proto-Norse được sử dụng vào thời gian đó có nghĩa là "thanh kiếm nhỏ."
Nhà khảo cổ học Bonde đánh giá những chữ này như bản ghi chú từ quá khứ, mang đến cơ hội tìm hiểu rõ hơn về sự phát triển của ngôn ngữ lâu đời nhất được biết đến ở vùng Scandinavia và cách con người tương tác với nhau.
Theo nhà khảo cổ học Bonde, người sở hữu con dao này muốn chứng tỏ hoặc mong muốn trở thành dạng chiến binh nào đó.
Chữ rune thuộc bảng chữ cái cổ nhất trong ngôn ngữ Scandinavia. Chúng được sử dụng từ thế kỷ I hoặc thế kỷ 2 Sau Công nguyên ở Bắc Âu cho đến khi được thay thế bằng bảng chữ cái Latinh vào thế kỷ X trong bối cảnh Kitô giáo phổ biến ở châu Âu.
Dấu vết đầu tiên các nhà khảo cổ có được về các khu định cư của con người ở vùng đất ngày nay là Đan Mạch có từ thời đại Đồ đá - khoảng 4.000 năm Trước Công nguyên - nhưng không có bất kỳ dấu vết nào về chữ viết trước thời đại Đồ sắt (từ năm 0 - 400 Sau Công nguyên).
Năm 1865, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chiếc lược nhỏ làm bằng xương có khắc chữ rune và có niên đại cùng thời với con dao. Dấu tích của chữ rune cũng có trên các bia đá ở thị trấn Jelling được xây dựng vào thế kỷ 10.
Theo các nhà khảo cổ, khi chữ viết lần đầu tiên xuất hiện ở vùng Scandinavia, chúng chỉ là những dòng chữ nhỏ và xuất hiện chủ yếu trên đồ vật.