Đàn ông dễ chết nếu bị ung thư vú
Ở tuổi 46, Oliver Bogler (Mỹ) phát hiện một khối u trong ngực song không quan tâm nó suốt 3-4 tháng mà không biết mình đã bị ung thư vú.
"Tôi không thể tưởng tượng mình lại mắc căn bệnh này", Bogler chia sẻ. Là một nhà sinh học thường xuyên làm việc với tế bào ung thư, anh vẫn nghĩ khối u của mình không đáng lo ngại. Theo NPR, thực ra Bogler có đủ lý do để chủ quan. Ung thư vú rất hiếm ở đàn ông, chỉ chiếm 1% số ca bị bệnh.
Phái mạnh thường không nghĩ mình mắc bệnh ung thư vú, tiến sĩ Sharon Giordana, một bác sĩ ung thư tại Trung tâm Anderson cho biết. "Họ không cho là mình có ngực. Họ không nhận ra mọi đàn ông đều sở hữu mô vú", ông giải thích. Rất nhiều bệnh nhân nam như Bogler chỉ tìm đến các chuyên gia khi bệnh đã trở nặng.
Đó dường như là nguyên nhân khiến tỷ lệ sống của đấng mày râu mắc ung thư vú khá thấp. Một nghiên cứu năm 2012 trên tạp chí Surgical Oncology kết luận đàn ông bị ung thư vú chỉ có 74% sống được 5 năm sau khi được chẩn đoán. Con số này ở phái đẹp là 83%. Bên cạnh đó, giống phụ nữ, nam giới có thể thừa hưởng gene đột biến khiến nguy cơ mắc bệnh tăng cao rồi truyền lại cho con cái.
Các bác sĩ đánh dấu lên ngực Bogler để tiến hành hóa trị. (Ảnh: David Jay).
Nam bệnh nhân ung thư vú được chữa trị theo phương pháp tương tự nữ giới: phẫu thuật loại bỏ khối u rồi hóa trị, xạ trị và sử dụng thuốc ức chế nội tiết tố như tamoxifen. Đối với trường hợp Bogler, anh quyết định cắt tuyến vú dù đây không phải là lựa chọn phổ biến bởi phái mạnh không có nhiều mô vú để loại bỏ.
Một điểm khác với chị em, hầu hết đấng mày râu mắc bệnh không thực hiện phẫu thuật tái tạo. Tiến sĩ Giordano nhận định họ có thể chưa biết đến giải pháp này bởi rất nhiều người quan tâm đến phẫu thuật tái tạo núm vú để không bị chú ý mỗi lần đi bơi, chơi thể thao hoặc đơn giản là cởi trần.
Do ung thư vú chủ yếu xảy ra ở phụ nữ, nam giới sẽ cảm thấy bị "phân biệt giới tính". Viết trên trang cá nhân, Bogler gọi trải nghiệm của mình là "bước vào một thế giới màu hồng". Hầu hết phòng khám ung thư vú được trang trí bằng màu hồng và các thiết bị được thiết kế dành riêng cho phái đẹp. Tiến sĩ Giordano nhớ lại một bệnh nhân nam sau khi sinh thiết đã được phát một túi đá hình hoa với dòng chữ "hãy để nó trong áo lót".
Chung cảnh ngộ với Bogler, Edward Smith được chẩn đoán ung thư vú khoảng 4 năm trước và quyết định lên mạng nhờ hỗ trợ. Anh tham gia vài diễn đàn nhưng không mấy hữu ích bởi các thành viên tỏ ra né tránh khi biết giới tính của anh. May mắn, Smith tìm được sự cảm thông trên một website khác. Điều này đối với anh vô cùng quan trọng. Ung thư vú khiến anh trở nên lạc lõng ở cơ quan, đồng nghiệp vô cùng kinh ngạc vì "đa số chưa bao giờ gặp một người đàn ông bị ung thư vú".
Cùng mắc một căn bệnh, những gì nam giới và nữ giới phải đối mặt hoàn toàn khác nhau. "Đàn ông rất khó mở lòng về chuyện này", Giám đốc điều hành tổ chức Living Beyond Breast Cancer là Jean Sachs nói. Theo bà, những bệnh nhân như Smith hay Bogler cần kể ra câu chuyện của mình để lưu ý các đấng mày râu khác bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, những người mang gene BRACA đột biến phải hiểu họ có khả năng truyền cho con cái.
Trong tương lai, tiến sĩ Giordano hy vọng nghiên cứu cơ chế bệnh ung thư vú ở đàn ông cũng như liệu pháp hormone hiệu quả sẽ thành công và được áp dụng rộng rãi.