"Đảo hải tặc" phiên bản đời thực có làm fan One Piece thất vọng?
Chỉ duy nhất một con đường đất và buộc phải lên trực thăng nếu muốn đến hoặc đi
Nếu bạn là fan của One Piece thì chắc là rất tò mò giả sử có một "đảo hải tặc" trong thực tế, nó sẽ mang diện mạo như thế nào nhỉ? Hãy đến Mocha, một hòn đảo nhỏ nằm ngoài khơi bờ biển phía tây tỉnh Arauco của Chile (quốc gia ở Nam Mỹ), bạn sẽ có cơ hội tận mục sở thị.
Đảo Mocha.
Bề ngoài, Mocha có hình dạng nên thơ như một giọt nước. Với diện tích rơi vào khoảng 48km2 và tổng dân số chừng 800 người, nó khá vắng vẻ, chỉ có duy nhất một con đường đất.
Mặc dù cách đất liền đến 35km, Mocha không có tàu thuyền đưa đón. Sóng dữ cùng từ trường nhiễu loạn khiến nó thành tử địa với giao thông đường biển. Đổi lại, bạn có thể tiếp cận hòn đảo bằng trực thăng.
Cả hòn đảo có độc một con đường.
Tuy nhiên khi đến đây, đừng nghĩ đến chuyện sẽ được ăn chơi phè phỡn như trong thế giới hải tặc, bởi Mocha gần như chẳng có gì cả! Toàn đảo mới có vài ba cửa hàng tạp hóa bé tẹo. Mọi hoạt động, nhu cầu cần thiết ví dụ như đi học, đi làm, đi siêu thị, thậm chí là đi cấp cứu cũng phải lên trực thăng rời đảo trước rồi mới tính sau.
"Hải tặc" thực chất là những thuyền thám hiểm phương Tây
Hầu hết cư dân trên đảo Mocha đều là người Mapuche (dân tộc bản địa miền Trung Nam Chile và Tây Nam Argentina).
Trước đây, họ sống biệt lập, rất đề phòng người bên ngoài. Năm 1578, khi nhà thám hiểm người Anh Francis Drake (1540-1596) vô tình phát hiện Mocha và hấp hửng tấp bờ, ông đã bị đánh đuổi quyết liệt. Nghe nói vết sẹo trên mặt Drake là vết tích từ lần tiếp cận bất cẩn này.
2 nhà thám hiểm phương Tây: Bên phải là Francis Drake, trái là Olivier van Noort.
Tuy nhiên sau Drake, mọi chuyện đã đổi khác. Dân trên đảo phát hiện các thuyền bè đi ngang chỉ muốn trao đổi hàng hóa. Bước sang thế kỷ 17, những hậu bối của Drake như Olivier van Noort (Hà Lan) và Joris van Spilbergen (Anh) đều được tiếp đãi nồng hậu, quý mến như thượng khách.
Trên Mocha tuy phát triển nông-ngư nghiệp nhưng lại thiếu nghề rèn kim loại. Thế nên người ta thoải mái đem ngũ cốc, gia súc ra đổi lấy các vật dụng dao kéo, xoong nồi.
Vấn đề là các tàu thuyền thám hiểm này dù rất thoải mái, sòng phẳng ở Mocha, nhưng vừa rời đảo đã nhanh chóng lật mặt. Trên hải trình khám phá dọc bờ Thái Bình Dương, họ điên cuồng cướp bóc, phá phách các bến cảng của Tây Ban Nha.
"Hải tặc" thực chất là các thuyền thám hiểm phương Tây.
Tất nhiên là với Đế quốc Tây Ban Nha, họ chẳng khác nào cướp biển. Còn Mocha thì vì tội thân thiện, cung cấp hàng hóa cho "hải tặc" cũng bị quy chụp là "kẻ tiếp tay" luôn. "Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc" nên vào năm 1685, Tây Ban Nha cử hẳn một hạm đội đến dọn sạch Mocha. Sau khi đốt phá chán chê, họ lôi tất cả cư dân còn sống lên thuyền, chở vào đất liền, ép định cư trên bờ sông Biobío.
Xuất phát điểm của huyền thoại Mocha Dick, nguyên mẫu của Moby Dick lừng danh
Sau nhiều năm bị bỏ hoang, vào thế kỷ 19 - thời đại săn cá voi tàn bạo nhất lịch sử, Mocha biến thành điểm dừng chân của các tàu săn cá. Từ năm 1810, người ta bắt đầu thường xuyên đụng mặt với một con nhà nhà táng khổng lồ, dài tới trên 15m và cực kỳ khôn ngoan, hay lượn lờ ngoài khơi bơ biển Mocha. Họ gọi nó là Mocha Dick.
"Đó là một con cá voi già, có kích thước và sức mạnh phi thường, toàn thân trắng muốt," - Jeremiah N. Reynold, phóng viên kiêm thám hiểm gia người Mỹ cùng thời miêu tả.
Mocha biến thành điểm dừng chân của các tàu săn cá.
Với "kích thước và sức mạnh phi thường", Mocha Dick liên tục thoát khỏi các cuộc vây bắt. Bình thường, nó khá thích chơi đùa với người, ưa bơi song song với tàu. Song ngay khi phát hiện các thợ săn cầm súng lao sẵn sàng nhắm bắn, nó lập tức phản kích, phun nước, rít lên chói tai và quẫy mình đánh chìm thuyền.
Mocha Dick từng chiến thắng cả 100 cuộc săn. Nó liên tục thoát thân, trước khi thiệt mạng vào năm 1838. Người ta moi ra những 19 cây lao trong cơ thể nó.
Hình mẫu Moby Dick trong tiểu thuyết của đại văn hào Herman Melville.
Cảm khái trước cuộc đời oanh liệt của Mocha Dick, đại văn hào Herman Melville (Mỹ) mới xây dựng nên Moby Dick, con cá voi trắng tuyệt vời trong thế giới viễn tưởng.
Đầy rẫy kho báu "của nổi của chìm", dân cư tin chỉ cần đào bới, trục vớt là đủ sống
Mãi đến năm 1857, Mocha mới được một doanh nhân Chile tên là Juan Alemparte đăng ký thuê và đưa nông dân vào tái khai khẩn. Thú vị là nhờ 172 năm vắng bóng người, nó trở nên cực kỳ xanh tốt, đầy động vật. Ít nhất cũng là nhà của 70 loài chim, trong đó có chim Puffinus creatopus siêu quý hiếm.
Rất nhanh, Mocha trở thành một trong các tiêu điểm của du lịch sinh tồn. Hiện tại, có đến 45% diện tích của nó là hoàn toàn hoang dã, thuộc diện được bảo tồn. Với các cư dân Mocha, đó là "của nổi" hoàn hảo, chẳng cần đụng tay đụng chân vẫn đều đặn thu lời.
Cư dân Mocha tin có rất nhiều vật dụng đáng giá chìm ngoài khơi và dưới lòng cát.
Thêm vào đó là nhờ sóng dữ bao bọc hòn đảo mà ngoài khơi Mocha còn đầy rẫy tàu thuyền đắm. Trong đợt động đất và sóng thần khủng khiếp nhất năm 1960, một chiếc tàu hơi nước neo ở Corral, Chile, cách Mocha cả 160km, cũng bị giật bay lên bờ hòn đảo này.
Nghe nói dưới lòng cát bờ biển Mocha có rất nhiều vật dụng cổ quý hiếm. Người ta còn chắc mẩm tàu chở vàng Rosetta cũng bị chìm đâu đó quanh đây. Tuy công tác tìm kiếm, trục vớt, đào bới là khó khăn, nhưng không ít dân cư trên đảo vẫn ao ước một ngày bỗng nhiên vớ bở.
Người Mapuche tin rằng, Mocha là đảo tận cùng phía Tây. Linh hồn người chết sau nhắm hướng Tây khởi hành, cuối cùng sẽ dừng lại ở đây. Thế nên ngoại trừ cái danh "đảo hải tặc", Mocha còn được biết đến trong tâm linh Mapuche là đảo linh hồn.