Để chó liếm mặt, nên hay không nên?
Nhiều người nuôi chó có thói quen để chúng liếm láp khắp mặt mày. Hành động thân mật này mang lại lợi ích về mặt tinh thần, nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe.
Liếm là một hành vi bản năng của loài chó, chúng liên tục liếm miệng khi cảm thấy căng thẳng hoặc sợ hãi. Ngoài ra, chúng còn liếm miệng trong trường hợp nhận thấy cảm xúc của con người thay đổi, đây là bằng chứng cho thấy loài vật này có lòng cảm thông.
Chính vì lẽ đó, không ít người nuôi chó sẵn sàng để chúng liếm láp mặt mày như một cách để củng cố sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên các nhà khoa học cho biết nước bọt của chó gây hại nhiều hơn là có lợi.
Nước bọt của chó chứa nhiều loại vi sinh vật có thể lây bệnh cho con người - (Ảnh: SHUTTERSTOCK).
Trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch, có vết thương hở hoặc không thể kiểm soát nguồn thức ăn của chó không nên để chó liếm cơ thể.
Miệng của chó chứa nhiều loại vi sinh vật, chúng thường không gây nguy hiểm cho con người nhưng lại có khả năng lây bệnh truyền nhiễm thông qua vết cắn, liếm hoặc tiếp xúc với vùng da bị trầy xước.
Mặc dù hầu hết những người tiếp xúc với nước bọt của chó không bị bệnh, vẫn có một số trường hợp hiếm xảy ra.
Capnocytophaga canimorsus, một loại vi khuẩn được tìm thấy trong miệng của 3/4 số chó và mèo khỏe mạnh, từng khiến một người bị nhiễm trùng huyết nặng đến mức suýt bỏ mạng.
Một số vi khuẩn khác như Pasteurella multocida cũng có thể lây sang người thông qua nước bọt của chó, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như bệnh viêm màng não.
Nước bọt của chó còn là "nhà" của vi khuẩn mang gene kháng kháng sinh (đa kháng thuốc). Loại vi khuẩn này là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Vào năm 2023, sau khi nghiên cứu 2.800 bệnh nhân mắc vi khuẩn kháng kháng sinh cùng thú cưng của họ, các nhà khoa học Đức kết luận rằng việc thú cưng lây vi khuẩn này sang chủ nhân và ngược lại là chuyện “có thể xảy ra”.
Tuy nhiên nghiên cứu này chỉ xác định được một số trường hợp. Họ cũng kết luận rằng: “việc sở hữu chó hoặc mèo không phải là yếu tố trọng yếu dẫn đến sự xâm nhập của vi khuẩn kháng kháng sinh ở những bệnh nhân nhập viện”.
Chú ý giữ vệ sinh Nhiều người tin rằng nước bọt của động vật có thể chữa lành vết thương, do đó họ huấn luyện chó liếm vết thương hở. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh nước bọt của chó giúp vết thương mau lành. Ngược lại, hành động này còn khiến nguy cơ nhiễm trùng tăng cao. Trên thực tế, chó có thể giúp con người giải quyết một số vấn đề tâm lý như chứng rối loạn lo âu, rối loạn ăn uống và chấn thương tâm lý. Chẳng hạn như việc âu yếm hoặc vuốt ve chó giúp bệnh nhân cảm thấy bình tĩnh hơn, giảm huyết áp và nhịp tim. Song người nuôi nên hạn chế để chó liếm vì sự an toàn của bản thân. Nếu vẫn duy trì thói quen này thì người nuôi cần đảm bảo sức khỏe cho cả hai bằng cách quản lý nguồn thức ăn và giữ vệ sinh thật chặt chẽ. |