Đến nơi đội tuyển Việt Nam đang thi đấu: Chỉ thấy vàng và vàng
Khách du lịch đến Dubai không khó để nhìn thấy cảnh vàng được phủ khắp thành phố, từ những tòa nhà với nội thất bằng vàng, cây ATM nhả ra vàng, siêu xe mạ vàng, đồ ăn vàng hay những khu chợ bán vàng nổi tiếng.
Ẩn sau sự hào nhoáng đó là cả một ngành nghề kinh doanh vàng và đồ trang sức với lịch sử hàng thập kỷ ở Dubai.
Vàng được bày bán rộng rãi ở Dubai và khách du lịch có thể trả giá.
Ngay từ khi còn nhỏ, Mihir Vaya đã giúp cha điều hành công việc kinh doanh đồ trang sức của gia đình ở Dubai.
Mihir nhớ những lần đi qua khu Dubai Creek trên một chiếc thuyền cùng cha để bán trang sức. Khu Gold Souk ngày nay có hàng trăm cửa hàng bán vàng bạc, khi ấy chỉ có vài quầy hàng ọp ẹp bên bờ sông.
Mihir giúp giữ những sợi dây vàng để cha tạo ra những món đồ trang sức phức tạp. “Đó là những việc vặt nhưng đối với tôi là điều rất quan trọng”, Mihir nói với CNN. “Kể từ đó, tôi gắn bó với công việc chế tác đồ trang sức bằng vàng”.
Gold Souk là một trong những khu chợ vàng nổi tiếng nhất trên thế giới.
Ashwin Vaya, cha của Mihir, là một trong số hàng ngàn thương nhân kinh doanh vàng bạc, thợ kim hoàn, nghệ nhân và doanh nhân từ Ấn Độ đã đổ xô đến Dubai vào những năm cuối của thế kỷ 20 để kiếm tiền từ ngành kinh doanh vàng đang phát triển mạnh mẽ.
Những người dám nghĩ dám làm như cha của Vaya, cùng những người nhập cư khác đến từ khắp nơi trên thế giới, chính họ đã biến Dubai trở thành trung tâm quốc tế về vàng.
Kể từ những năm 1970, dầu mỏ với trữ lượng khổng lồ được phát hiện đã làm thay đổi hoàn toàn vận mệnh Dubai. Nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ giúp Dubai lột xác mạnh mẽ, nhu cầu giải trí, mua sắm của người dân vì vậy cũng tăng mạnh. Người dân Dubai coi việc mua vàng, đồ trang sức là cách để họ thể hiện sự chịu chơi cũng như để tiêu bớt tiền.
Mihir Maya đến Dubai lập nghiệp cùng cha từ những năm 1970.
Trước đại dịch Covid-19, vàng và những đồ trang sức khác chiếm 20% trong tổng số hàng hóa xuất khẩu ngoại trừ dầu mỏ của Các tiểu vương Quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), hầu hết là từ Dubai. Ước tính 20% - 40% lượng vàng dự trữ trên thế giới “chảy qua” Dubai mỗi năm.
Thành phố vàng xa hoa
Jayant Javeri nhớ lại những ngày đầu tiên lập nghiệp ở Dubai. Xuất thân từ Mumbai, Ấn Độ, Javeri đến Dubai cùng anh trai vào năm 1971, cùng năm UAE chính thức thành lập. Gia đình Javeri có công ty quy đổi ngoại tệ nhưng hai anh em muốn phát triển hướng đi riêng bằng cách kinh doanh vàng.
Cả hai mở cửa hàng đầu tiên ở Dubai, chủ yếu nhận đơn giao dịch vàng từ công ty của ông nội.
Đến năm 1990, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ vàng tăng vọt ở vùng Vịnh, hai anh em lập ra công ty nữ trang Javeri và là công ty có cửa hàng vàng đầu tiên ở khu Meena Bazaar, Dubai.
Trong những năm tiếp theo, khi thông tin lan truyền rộng rãi ở Ấn Độ, hàng ngàn người khác sang Dubai kinh doanh vàng, với mong muốn gặt hái thành công giống như những người đi trước. Những năm 1990 là thời kỳ đỉnh cao của cơn sốt vàng ở UAE.
Vàng có mặt ở khắp mọi nơi tại Dubai.
Những khu chợ rộng lớn tập hợp những người buôn vàng, buôn kim cương và thợ kim hoàn hình thành ở giai đoạn này đã định hình Dubai như ngày nay.
Dubai được mệnh danh là “thành phố vàng”, nhờ mức giá rẻ, miễn thuế, không bị chính phủ kiểm soát như ở các quốc gia khác. Mãi đến năm 2018, mức thuế VAT 5% mới được áp dụng ở Dubai và là mức thuế duy nhất đánh vào thị trường vàng. Các du khách được phép hoàn thế theo ưu đãi để thúc đẩy du lịch.
Ngày nay, giá vàng ở Dubai biến động theo thị trường quốc tế. Nhưng khách hàng vẫn có quyền mặc cả giống như xưa.
Bí mật thành công
Cây ATM nhả ra vàng ở Dubai.
Đối với hầu hết những người kinh doanh vàng ở Dubai, bí quyết thành công là một nhóm khách hàng trung thành và các mối quan hệ được xây dựng qua nhiều thập kỷ.
Khách hàng một khi đã tới khu phố vàng, sẽ chi tiền khi cảm thấy vừa ý, không đi qua lại giữa các cửa hàng khác nhau để mặc cả. Tỉ lệ khách hàng quay lại mua vàng hay nữ trang là rất lớn.
Mehul Pethani là người có thâm niên trong nghề và hiểu rõ điều này hơn ai hết.
Mehul hàng ngày đều có mặt ở tiệm vàng, tiếp đón các khách quen. Người đàn ông Ấn Độ chuyển đến Dubai năm 2007, hầu như không biết tiếng Anh và chẳng biết gì về vàng bạc, kim cương, do lớn lên trong gia đình nông dân.
Siêu xe Lamborghini Aventador mạ vàng ở Dubai.
14 năm sau, Mehul trở thành người kinh doanh vàng được săn đón nhất ở Dubai. Mehul nói 90% khách hàng của anh là khách quen.
“Tất cả nằm ở sự trung thực và rõ ràng với khách hàng”, Mehul nói. “Dù là bạn bán hàng chất lượng ra sao, hãy nói trung thực với họ để họ biết rằng mình mua được món đồ với giá tốt”.
Điều đó cũng có nghĩa là không cần mặc cả, khách hàng đến với Mehul đều biết họ được đề xuất mức giá tốt nhất. “Chuyện khách hàng mua đồ trang sức với giá thấp hơn nhiều báo giá ban đầu là bình thường”, Mehul nói.
Món bít tết phủ vàng.
Sau hàng thập kỷ hoạt động kinh doanh vàng ở Dubai phát triển rực rỡ, dịch bệnh Covid-19 khiến mọi thứ trở nên chững lại.
Năm 2019, giá vàng vào khoảng 1.200 USD/ounce, nhưng từng tăng tới 2.000 USD/ounce vào năm 2020 và hiện duy trì ở mức 1.900 USD/ounce.
Giá cả leo thang, hoạt động du lịch tê liệt khiến Mehul sụt giảm 40% doanh thu. Mihir và gia đình cũng trải qua 6 tháng ảm đạm mà chưa biết bao giờ hoạt động kinh doanh mới khởi sắc trở lại.