Điều gì xảy ra nếu hành tinh lang thang va chạm Trái đất?
Chịu va chạm từ một hành tinh lang thang sẽ khiến Trái đất bị phá hủy hoàn toàn. Việc nó chỉ xuất hiện trong Hệ Mặt trời cũng đã khiến quỹ đạo mọi hành tinh thay đổi.
Không như Trái đất hay những hành tinh quay quanh Mặt trời, hiện có hàng tỷ hành tinh lang thang rải rác khắp thiên hà Milky Way và không ràng buộc bởi với bất kỳ ngôi sao chủ nào.
Ảnh minh họa Trái đất va chạm với một hành tinh. (Ảnh: NASA/Newsweek).
Song, một điều được các nhà khoa học bàn luận là điều gì sẽ xảy ra khi một hành tinh lang thang đi vào Hệ Mặt trời, thậm chí là tiếp cận gần Trái đất. Theo What If, một hành tinh lang thang đã được phát hiện ngoài rìa Hệ Mặt trời.
Hành tinh lang thang là gì?
Trái với những hành tinh có quỹ đạo quay quanh Hệ Mặt trời, hành tinh lang thang hay hành tinh du mục (rogue planet) là hành tinh di chuyển tự do giữa các ngôi sao và không quay quanh một ngôi sao chủ.
Khi sinh ra, lực hấp dẫn có thể khiến những hành tinh va chạm với nhau. Vụ va chạm có thể khiến hành tinh bị chệch khỏi quỹ đạo của sao chủ, trở thành hành tinh lang thang.
Vào năm 2015, các nhà khoa học ở Canada đã công bố nghiên cứu nói rằng từng có một hành tinh khí tồn tại trong Hệ Mặt trời hơn 4 tỷ năm trước, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy nó bị sao Mộc “đá ra khỏi quỹ đạo” sau những va chạm, theo Science Alert.
Ngoài ra, hành tinh lang thang còn đến từ những ngôi sao không thể bốc cháy, biến chúng trở thành hành tinh khí đơn độc.
Ảnh minh họa về hành tinh lang thang ở cụm sao Rho Ophiuchi. (Ảnh: Newsweek).
Các nhà khoa học không chắc có bao nhiêu hành tinh lang thang trong dải ngân hà Milky Way, khi những hành tinh này rất khó quan sát do không phát ra nhiều ánh sáng. Song, con số ước tính có thể lên đến hàng tỷ, Newsweek cho hay.
Kịch bản không mong muốn
Vào năm 2018, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh lang thang, chỉ cách Trái đất 20 năm ánh sáng, lớn hơn 13 lần so với sao Mộc - vốn đang là hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời (61,42 tỷ km2). Trong khi đó, diện tích Trái đất là khoảng 510 triệu km2.
Các nhà khoa học đã đặt ra kịch bản liệu những hành tinh lang thang có đi vào Hệ Mặt trời, hay thậm chí va chạm với Trái đất không.
Với diện tích lớn hơn Trái đất hàng nghìn lần, một hành tinh lang thang có thể di chuyển với tốc độ hàng trăm km/giây. Một vụ va chạm trực tiếp sẽ khiến Trái đất hoàn toàn bị phá hủy.
Song, giới khoa học cũng nói rằng quy mô của Hệ Mặt trời là khá lớn. Trong trường hợp không va chạm, hành tinh lang thang cũng sẽ xáo trộn quỹ đạo của tất cả hành tinh trong Hệ Mặt trời. Lực hấp dẫn của hành tinh hơn 770 tỷ km2 sẽ khiến quỹ đạo Hệ Mặt trời càng đi theo hình elip.
Khi đó, Trái đất sẽ quay quanh vùng hẹp của Hệ Mặt trời. Dù con người vẫn có thể sống được, việc quay gần Mặt trời khiến mùa hè trở nên ngắn và rất nóng, bên cạnh mùa đông cực lạnh, kéo dài.
Hơn 100 nơi được các nhà khoa học cho là tồn tại những hành tinh lang thang (vòng đỏ). Giới thiên văn ước tính có hàng tỷ hành tinh lang thang tồn tại trong dải ngân hà. (Ảnh: Universal Science).
Trái đất có thể bước vào kỷ băng hà tiếp theo. Thay vì ấm lên toàn cầu, nhân loại sẽ lo về sự “nguội đi toàn cầu”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kịch bản giả định, giới khoa học cũng đề cập đến thực tế rằng có nhiều vật thể trong không gian, và cơ hội để một hành tinh lang thang đe dọa đến Trái đất là không cao.
"Tôi ước tính rằng trong 1.000 năm tới, cơ hội để hành tinh lang thang có thể tiếp cận Trái đất, thay vì sao Hỏa hay sao Kim, là một trên 2.000 tỷ lần", Garrett Brown, nhà nghiên cứu thiên văn tại Đại học Toronto (Canada), cho biết.
Michael Zemcov, phó giáo sư vật lý tại Viện Công nghệ Rochester, nói rằng việc Hệ Mặt trời có thể tồn tại ổn định trong hơn 4,5 tỷ năm qua là điều bất ngờ, khi lực hấp dẫn và từ trường của các hành tinh như sao Mộc đã có thể đẩy những hành tinh khác ra khỏi quỹ đạo, biến chúng thành hành tinh lang thang.