Đồ vật duy nhất trong phủ Hòa Thân không bị tịch thu: Hoàng đế cũng không dám động đến
Hòa Thân nổi tiếng là một đại tham quan thời nhà Thanh. Khi Càn Long còn sống, vì chiếm được lòng tin của hoàng đế, Hòa Thân mặc sức tham nhũng mà không ai dám phản kháng. Thậm chí, hoàng đế còn gả con gái của mình cho con trai của Hòa Thân, điều này cũng cho thấy ông ta được Càn Long ưu ái đặc biệt thế nào.
Tuy nhiên, ngày vui của Hòa Thân chẳng kéo dài được bao lâu. Khi Gia Khánh lên ngôi, vào ngày thứ 15 sau khi Càn Long qua đời, tân đế đã lập 1 bản luận 20 đại tội của Hòa Thân. Sau đó, Hòa Thân được tìm thấy đã tự sát ở trong phủ.
Hòa Thân cậy mình được Càn Long ưu ái nên đã tham ô không ít tiền bạc, châu báu. (Ảnh: Baidu)
Hoàng đế Gia Khánh ngay lập tức cho người lục soát và tịch thu toàn bộ đồ đạc trong phủ Hòa Thân. Kết quả là tìm thấy 800 triệu lượng bạc trắng, số tiền này ước tính nhiều gấp 15 lần ngân khố của triều đình nhà Thanh lúc bấy giờ. Ngoài bạc trắng, họ còn tìm được vô số ngọc ngà châu báu.
Chuyện tịch biên tài sản của Hòa Thân là sự kiện lớn khi đó. Tất cả mọi thứ trong phủ Hòa Tân đều bị đem đi, tuy nhiên, duy nhất có 1 thứ mà hoàng đế Gia Khánh không dám động đến. Tới nay, vật đó vẫn hiện diện trong Cung vương phủ ở Bắc Kinh. Được biết, đây là một vật mà hoàng đế Khang Hi dành tặng cho Hiếu Trang hoàng thái hậu. Đó chính là một tấm bia có đề chữ "Phúc" do chính hoàng đế Khang Hi ngự bút.
Chúng ta đều biết Khang Hi là một bậc thầy thư pháp. Một lần, Hiếu Trang hoàng thái hậu mắc bệnh nặng, có vị vu sư đã hiến kế cho Khang Hi lập 1 đàn cầu phúc. Khang Hi làm theo cách này, trai giới trong 3 ngày và ngự bút viết một chữ "Phúc", Sau này, chữ "Phúc" này đã được khắc lại trên bia đá. Không rõ bằng cách nào nhưng Hiếu Trang hoàng thái hậu quả thực khỏi bệnh. Chữ "Phúc" trên bia đá từ đó được coi là "đệ nhất thiên hạ".
Tấm bia đá có chữ "Phúc" ấy đã được xem như một món bảo vật của hoàng cung. Nó đã ở trong cung tới mấy chục năm nhưng sau đó đột nhiên biến mất không rõ tung tích. Mãi cho tới khi lục soát nhà của Hòa Thân, các vị quan lại mới tìm thấy tấm bia đá này. Nhưng tại sao nó lại nằm trong nhà của Hòa Thân?
Duy nhất tấm bia đá đề chữ "Phúc" vốn là bảo vật hoàng cung là hoàng đế Gia Khánh không thể thu hồi. (Ảnh: Baidu)
Nguyên nhân là bởi vào những năm cuối đời, Càn Long vì sức đã yếu, nói năng gặp nhiều khó khăn nên đã nhờ Hòa Thân cùng thượng triều và ban truyền thánh chỉ. Thậm chí, Hòa Thân còn giúp hoàng đế thu thập cổ vật, châu báu, do đó, ông ta đã có cơ hội lấy đi rất nhiều bảo vật quý giá. Có lẽ, tấm bia đá khắc chữ "Phúc" cũng bị Hòa Thân lén mang về phủ của mình.
Tuy nhiên, khi lục soát phủ của Hòa Thân, các quan viên không thể đem tấm bia đá kia về cung. Lý do là bởi, Hòa Thân khi mang tấm bia đá về đã mời 1 cao nhân phong thủy về bài trí cho phủ đệ của mình. Sau đó ông ta đã đặt tấm bia ngay trên 1 cái động nối liền với long mạch của nhà Thanh và phủ của mình. Nếu như đào tấm bia đá đó thì long mạch sẽ bị đứt đoạn. Vì thế, hoàng đế Gia Khánh đành để lại tấm bia đá để bảo toàn cho long mạch của triều đình.
Ngày nay, tấm bia đá này vẫn đặt trong Cung vương phủ và đây là điểm tham quan nổi tiếng với nhiều du khách. (Ảnh: Baidu)
Sau này, phủ Hòa Thân thuộc về Cung Thân vương Dịch Hân và ngày nay được biết đến dưới cái tên Cung vương phủ. Hiện nay, nơi này đã trở thành 1 điểm tham quan nổi tiếng tại Bắc Kinh. Tấm bia đá khắc chữ "Phúc" đã được rất nhiều du khách trong và ngoài nước tới để cầu phúc cho bản thân và gia đình.