Đón gió mùa Đông Bắc, Hà Nội chuyển rét, nhiệt độ xuống còn 14 độ C
Đón đợt không khí lạnh cường độ mạnh, Hà Nội chuyển rét từ đêm 31/3 với nền nhiệt giảm xuống mức 14-17 độ C. Trong khi đó, khu vực miền núi có thể ghi nhận mức nhiệt dưới 12 độ C.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết một bộ phận không khí lạnh vừa hình thành và đang di chuyển xuống nước ta. Đêm 31/3, hình thái này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc, sau đó tác động đến những nơi khác ở Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.
Từ chiều tối và đêm nay (31/3), miền Bắc xuất hiện mưa rào và dông, cục bộ mưa lớn. Người dân đề phòng nguy cơ xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Đợt mưa này kéo dài đến hết ngày 1/4.
Đồng thời, đồng bằng Bắc Bộ chuyển rét từ đêm nay với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ C, vùng núi có nơi rét hại dưới 12 độ C.
Theo trang dự báo Accuweather, Hà Nội có thể ghi nhận mức nhiệt thấp nhất 13 độ C đêm 1/4. Ban ngày, nền nhiệt tăng lên ngưỡng 18-20 độ C, trời lạnh. Khu vực cũng xuất hiện mưa dông liên tục ngày 31/3-1/4, sau đó hửng nắng.
Tại Trung Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế trở rét ngày 1/4 với nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C.
Từ đêm 31/3 đến ngày 2/4, mưa dông gia tăng ở khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình với lượng phổ biến 100-250 mm. Trong khi đó, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi tiếp diễn mưa lớn đến hết tuần, lượng mưa 200-350 mm, có nơi trên 400 mm/đợt.
Khu vực Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Tây Nguyên kết thúc mưa sớm hơn vào ngày 1/4, đồng thời lượng mưa giảm xuống mức 100-200 mm/đợt. Cùng lúc, Bình Thuận và Ninh Thuận mưa 50-100 mm hai ngày tới.
Cơ quan khí tượng cảnh báo từ đêm 31/3, gió chuyển hướng đông bắc cấp 3 trên đất liền, vùng ven biển cấp 4-5. Tại vịnh Bắc Bộ, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Sóng cao 2-4 m.
Từ ngày 1/4, khu vực bắc Biển Đông và vùng biển ngoài khơi từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8-9. Sóng cao 4-6 m, biển động mạnh.
Trước tình hình thời tiết diễn biến xấu những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai có văn bản yêu cầu đơn vị chức năng các địa phương căn cứ tình hình để hướng dẫn kịp thời cho cấp chính quyền, người dân chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở khu vực miền núi.
Đồng thời, các địa phương sẵn sàng phương án phòng chống ngập úng nhất là khu vực đô thị và khu dân cư tập trung. Lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi cảnh báo về gió mạnh, sóng lớn để thông tin kịp thời đến thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động.