Đột phá mới trong nghiên cứu vắcxin phòng cúm
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Melbourne của Australia đã khám phá một cơ chế giúp việc điều chế vắcxin phòng cúm có tác dụng lâu hơn các loại vắcxin đang sử dụng hiện nay.
Các loại vắcxin phòng cúm hiện nay phát huy tác dụng dựa vào việc kích hoạt những kháng thể có khả năng nhận diện các protein (kháng nguyên) xuất hiện trên bề mặt virus.
Tuy nhiên, các protein này rất dễ thay đổi, khiến vắcxin bị mất tác dụng khi virus biến thể. Chính vì vậy, việc tiêm phòng cúm phải thực hiện hàng năm.
Nắm bắt được cơ chế trên, các nhà khoa học Australia đã áp dụng một phương pháp tiếp cận mới trong điều chế vắcxin, theo đó nhằm vào các protein bên trong virus có xu hướng ít biến đổi hơn thay vì các protein bề mặt, nhờ đó điều chế được loại vắcxin có tác dụng lâu hơn và kháng được nhiều chủng virus cúm hơn.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Nicole La Gruta cho biết loại vắcxin mới hoạt động dựa vào các tế bào CTL (Cytotoxic T Lymphocytes) trong cơ thể nhằm xâm nhập và tiêu diệt tế bào nhiễm bệnh bằng cách nhận diện được các loại protein ở virus.
Vắcxin kích hoạt một lượng lớn CTL, tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh bằng cách cho cơ thể tiếp xúc với các loại protein ở virus mà tế bào CTL có thể nhận diện trước khi cơ thể phát bệnh.
Thời gian vắcxin phòng cúm mới phát huy tác dụng có thể kéo dài từ 5 đến 10 năm./.