Đột phá trong cấy tế bào gốc từ người đã chết
Phòng báo chí Viện hàn lâm khoa học Cộng hòa Séc ngày 10/9 cho biết lần đầu tiên trên thế giới, các nhà khoa học nước này đã chứng minh được rằng có thể cấy tế bào gốc từ người đã chết vào các bệnh nhân mắc các hội chứng rối loạn tạo máu như bệnh bạch cầu.
>>> Thuốc mới trị bệnh bạch cầu hiếm gặp ở người
Nhóm nghiên cứu gồm Emanuel Necas và Ludek Sefc tại Viện sinh lý học bệnh lý thuộc Đại học Charles ở thủ đô Prague, đã phát hiện rằng tế bào gốc từ tủy xương vốn đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo máu, có thể được cấy thành công ngay cả khi người hiến tặng đã chết được vài tiếng.
Lymphocytyic bệnh bạch cầu mãn tính trong máu.
Nhóm này lần đầu tiên chứng minh được rằng các tế bào gốc tạo máu có thể chống lại những điều kiện bất lợi do tình trạng ngưng trệ lưu thông máu gây ra sau khi người hiến tặng chết.
Giáo sư Necas nhấn mạnh: "Không giống như các tế bào khác, tế bào gốc được lấy ra thậm chí sau khi người hiến tặng chết được vài tiếng vẫn giữ nguyên các đặc tính tự nhiên và do đó chúng thích hợp cho việc cấy ghép".
Bác sỹ chuyên khoa ung thư Pavel Klener nổi tiếng của Séc nhấn mạnh đây là phát hiện có ý nghĩa hết sức quan trọng. Khám phá này sẽ mở rộng đáng kể diện sử dụng tủy xương của người hiến tặng và mang lại hy vọng cho các bệnh nhân đang chờ được cấy ghép.
Hai nhà nghiên cứu Necas và Sefc đã nghiên cứu hành vi của tế bào gốc ở tủy máu trong thời gian dài. Họ sẽ tham gia một trong năm chương trình nghiên cứu thuộc dự án Biocev, nhằm phát triển biện pháp trị liệu và các phương pháp chẩn đoán mới.
Kết quả trên được các nhà nghiên cứu Séc trình bày tại hội nghị các bác sỹ huyết học thế giới tại Canada trong thời gian gần đây và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ các chuyên gia nước ngoài.