Đường hóa học có gây ung thư không?
Đường hóa học là tên thường gọi của aspartame, một chất ngọt nhân tạo, đã được sử dụng ở Mỹ từ đầu những năm 1980. Nó được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống vì nó ngọt hơn nhiều so với đường tự nhiên, vì vậy lượng sử dụng rất ít cũng cho mức độ ngọt tương đương.
Aspartame thường được sử dụng như một chất tạo ngọt trong thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn, trong các công thức nấu ăn không cần đun nấu nhiều (vì nhiệt sẽ phá vỡ aspartame). Nó cũng có thể được dùng làm hương liệu trong một số loại thuốc.
Aspartame có gây ung thư không?
Tin đồn và mối lo ngại aspartame gây ra một số vấn đề sức khỏe, bao gồm cả ung thư, đã lan truyền trong nhiều năm. Một số lo ngại về ung thư bắt nguồn từ kết quả nghiên cứu trên chuột được công bố bởi một nhóm các nhà nghiên cứu Italia, cho rằng aspartame có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư liên quan đến máu (bệnh bạch cầu và u lympho).
Tuy nhiên, các đánh giá sau đó về dữ liệu từ các nghiên cứu này đặt dấu hỏi về kết quả. Kết quả của các nghiên cứu dịch tễ (nghiên cứu trên các nhóm người) về mối liên hệ có thể có giữa aspartame và ung thư (bao gồm cả ung thư đến máu) là không nhất quán.
Aspartame thường được sử dụng như một chất tạo ngọt trong thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn.
Nói chung, Hội Ung thư Mỹ không xác định liệu thứ gì đó có gây ung thư hay không (nghĩa là liệu nó có phải là tác nhân gây ung thư), nhưng một số tổ chức có uy tín khác đã xác định rằng:
- Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã kết luận rằng việc sử dụng aspartame như một chất làm ngọt dùng cho mục đích chung… là an toàn.
- Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) tuyên bố “Các nghiên cứu không gợi ý về tăng nguy cơ liên quan đến tiêu thụ aspartame đối với bệnh bạch cầu, khối u não hoặc nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư não, bạch huyết và hệ tạo máu (máu)”.
Mặc dù nghiên cứu về mối liên quan có thể có giữa aspartame và ung thư vẫn tiếp tục, các cơ quan này nhất trí rằng các nghiên cứu được thực hiện cho đến nay chưa tìm thấy mối liên quan như vậy.
Aspartame được quy định như thế nào?
Tại Mỹ, các chất ngọt nhân tạo như aspartame được quy định bởi FDA. Các sản phẩm này phải được kiểm nghiệm về độ an toàn và được FDA chấp thuận trước khi sử dụng. FDA cũng đặt ra mức tiêu thụ hàng ngày chấp nhận được (ADI) cho mỗi chất, đây là lượng tối đa được coi là an toàn để tiêu thụ mỗi ngày trong suốt cuộc đời của một người.
FDA đã quy định ADI cho aspartame ở mức 50mg/kg cân nặng cơ thể/ngày.
EFSA, quy định các chất phụ gia thực phẩm trong Liên minh châu Âu, khuyến nghị ADI cho aspartame thấp hơn một chút, ở mức 40mg/kg/ngày.
Để giúp hình dung ra mức này, FDA ước tính rằng nếu thay thế tất cả lượng đường phụ gia trong chế độ ăn của một người trung bình nặng 60kg bằng aspartame, nó sẽ dẫn đến lượng tiêu thụ khoảng 8 đến 9mg/kg/ngày.
Và theo EFSA, để đạt được ADI 40mg/kg/ngày, một người trưởng thành nặng 60 kg sẽ phải uống 12 lon nước ngọt ăn kiêng (nếu chúng chứa aspartame ở mức tối đa cho phép sử dụng), mỗi ngày. Nhưng trong thực tế, aspartame được sử dụng ở mức thấp hơn và lượng tìm thấy trong nước ngọt có thể thấp hơn 3 đến 6 lần so với mức tối đa được phép. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải uống 36 lon trở lên mới đạt tới ADI.
Có thể tránh aspartame được không?
Aspartame chưa bị liên hệ với bất kỳ vấn đề sức khỏe cụ thể nào, ngoài những người bị phenylketon niệu (PKU). Đây là một rối loạn di truyền hiếm gặp (bẩm sinh), trong đó cơ thể không thể phân hủy phenylalanine, một loại axit amin có trong nhiều loại thực phẩm (và trong aspartame). Đây là lý do tại sao bất kỳ sản phẩm nào (bao gồm cả thuốc) có chứa aspartame đều phải mang theo cảnh báo “PHENYLKETONURICS: CONTAIN PHENYLALANINE”.
Đối với những người khác muốn tránh aspartame, cách dễ nhất để làm điều này là để ý đến cảnh báo tương tự hoặc kiểm tra nhãn thành phần trước khi mua hoặc ăn thực phẩm hoặc đồ uống. Nếu aspartame có trong sản phẩm, nó sẽ được ghi trên nhãn.