El Nino mạnh kỷ lục, mùa đông năm nay ấm áp
El Nino 2015 kéo dài nhất trong vòng 60 năm qua khiến nhiệt độ mùa đông năm nay cao hơn, lượng mưa trên cả nước giảm mạnh so với trung bình nhiều năm.
Nhiệt độ mùa đông năm nay cao hơn do ảnh hưởng của El Nino
Theo nhận định của các trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới, El Nino 2015 (hiện tượng nóng lên dị thường của nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương) sẽ đạt cường độ của El Nino mạnh kỷ lục năm 1997-1998. Ngoài ra, khả năng lớn El Nino sẽ diễn ra đến hết năm và kéo dài đến tận mùa xuân 2016.
Như vậy, ngoài cường độ mạnh, hiện tượng này cũng sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua, kể từ khi có quan trắc chi tiết về hiện tượng ENSO (tức là sự phối hợp hoạt động giữa hai hiện tượng El Nino, La Nina xảy ra ở đại dương và ở khí quyển – dao động Nam bán cầu).
Tuyết rơi ở Sa Pa vào đầu tháng 1/2015.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định, do ảnh hưởng của El Nino, mùa đông năm nay ấm, ít ngày rét hơn mọi năm. Từ nay đến đầu năm 2016, nhiệt độ trên cả nước có xu hướng cao hơn nhiệt độ trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1,5 độ C. Những tháng chính giữa mùa đông (tháng 12/2015 đến tháng 2/2016), nhiệt độ cao hơn, rét đậm, rét hại có khả năng không kéo dài. Tuy nhiên, vẫn có thể xuất hiện các đợt dài khoảng 4-7 ngày.
Từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 6-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. El Nino cũng khiến lượng mưa ở các vùng trong cả nước giảm mạnh, gây nên tình trạng thiếu nước cục bộ ở miền Bắc và miền Trung; khô hạn đến sớm hơn ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; đỉnh lũ trên các sông ở Nam Bộ thấp hơn mọi năm.
Ở Bắc Bộ, lượng mưa sẽ thấp hơn mọi năm khiến dòng chảy trên các sông bị ảnh hưởng, gây nên tình trạng thiếu nước cục bộ, đặc biệt vùng núi cao phía Bắc và trung du Bắc Bộ sẽ thiếu nghiêm trọng.
Hàng trăm hecta chè của người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) cháy khô vì hạn hán.
Ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Bình Thuận, lượng mưa sẽ thiếu hụt khoảng 50% so với hàng năm khiến mùa mưa có khả năng kết thúc sớm. Một số sông ở Nam Trung Bộ hụt đến hơn 60%. Do vậy, ngay trong các tháng đầu mùa khô năm sau, Trung Bộ, Tây Nguyên sẽ xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước và xảy ra sớm hơn mọi năm.
Tại Nam Bộ, đỉnh lũ ở các sông sẽ thấp hơn hàng năm. Tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Me Kong về khu vực đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt so với trung bình hàng năm từ 20% đến 40%. Khả năm xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn, sớm hơn cùng kỳ mùa khô năm trước.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận nhiều hiện tượng thời tiết bất thường. Tháng 1 ở Sa Pa xuất hiện mưa tuyết và băng giá, nhiệt độ thấp nhất xuống chỉ còn hơn 1 độ C, có nơi như Sìn Hồ (Lai Châu) xuống tới -0,3 độ C. Trong tháng 5, với hai đợt nắng nóng kỷ lục, đỉnh điểm là 28-30/5, nhiệt độ cao nhất ở nhiều tỉnh thành miền Bắc và miền Trung đã vượt giá trị lịch sử.

Vì sao nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa?
Khí hậu nước ta rất độc đáo: khí hậu nóng nhưng không khô hạn như Tây Nam Á, Bắc Phi. Nóng ẩm nhưng không nóng ẩm quanh năm như các quần đảo ở Đông Nam Á.

Sự thật về những chiếc cốc giấy dùng 1 lần
Các loại cốc giấy dùng 1 lần đang được rất nhiều người ưa dùng vì tính tiện dụng và nhanh gọn. Song sự thật về chúng không phải ai cũng biết.

6 hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp chỉ có vào mùa đông
Sấm tuyết, hoa sương đá, sương băng cứng... là những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú đến không ngờ.

Ngày xưa ông cha ta tránh bão như thế nào?
Do không có phương tiện dự báo thời tiết nên cha ông ta nhận biết dấu hiệu của bão bằng cách quan sát tự nhiên.

Lý giải hiện tượng cầu vồng trắng
Cầu vồng trắng được tạo ra khi ánh sáng Mặt Trời chiếu vào những giọt nước nhỏ trong lớp sương mù ở góc độ phù hợp.

Tại sao bão ở Việt Nam lại hay vào miền Trung?
Dân gian có câu "Ông tha mà bà không tha/ Làm nên lũ lụt hai ba tháng mười”, để nhắc nhở, cảnh báo mùa lũ ở các tỉnh từ Thanh Hóa đổ vào thường xảy ra đầu tháng 7 đến tháng 10 hàng năm.
