Giải pháp ngăn ô nhiễm dầu tràn bằng... tóc người
Những chiếc thảm làm từ lông, tóc có thể dùng để làm sạch các vết dầu tràn nhỏ sau tai nạn giao thông trên đường hoặc những sự cố tràn dầu lớn trên biển.
Sự nguy hại của dầu tràn
Lisa Gautier, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Matter of Trust (MOT) có trụ sở ở San Francisco cho biết, đơn vị nhận được gần chục bao tóc mỗi ngày.
Các tình nguyện viên MOT dùng thảm tóc để làm sạch dầu trên đường.
Tóc có thể là thứ bỏ đi với nhiều người nhưng lại là báu vật tại đây. Tại xưởng sản xuất của MOT, những sợi tóc được quyên góp sẽ biến thành những tấm thảm thấm dầu tràn trên đất liền hoặc dùng làm phao chống tràn dầu trên biển.
Thông thường, người ta sử dụng thảm PP để làm sạch dầu trên đất. Tuy nhiên, nhựa PP không phân hủy sinh học và để sản xuất ra PP thì phải khai thác nhiều dầu hơn. Trong khi đó, tóc là một nguồn tài nguyên thân thiện với môi trường, có thể hấp thụ lượng dầu gấp 5 lần trọng lượng của nó và quan trọng là nguồn cung rất dồi dào.
"Có khoảng 900.000 tiệm cắt tóc được cấp phép hoạt động ở Mỹ. Mỗi tiệm có thể dễ dàng thu được ít nhất 1 pound tóc/tuần (0,45 kg)", Gautier nói.
Gautier nói thêm: "Việc sử dụng một nguồn tài nguyên thiên nhiên tái tạo để làm sạch dầu tràn sẽ ý nghĩa hơn nhiều so với sử dụng nhiều dầu hơn để làm sạch nó".
Dầu tràn có thể làm ô nhiễm nguồn nước uống, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng, gây hại cho động thực vật cũng như thiệt hại cho nền kinh tế.
Năm 2021, Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ đã ghi nhận 175 sự cố tràn dầu trên biển và đất liền chỉ tính riêng ở quốc gia này. Ước tính, trên toàn cầu có khoảng 10.000 tấn dầu đã bị thất thoát ra môi trường do các vụ tràn tàu chở dầu.
Theo MOT, chỉ cần 1 lít dầu xâm nhập vào nguồn cung cấp nước, 1 triệu gallon (4,5 triệu lít) nước uống có thể bị ô nhiễm. Từ đầu năm đến nay, đã có những vụ tràn dầu lớn ở Thái Lan và Peru, với lượng dầu tràn ước tính lên tới hơn 500.000 gallon (2,2 triệu lít).
Theo Gautier, sự cố tràn dầu chỉ chiếm khoảng 5% lượng dầu ô nhiễm trên toàn cầu. Các nguồn ô nhiễm phổ biến hơn là rò rỉ từ các phương tiện giao thông đường bộ thấm xuống lòng đất hay dầu rò rỉ từ đáy biển lên.
Phong trào làm thảm tóc lan rộng
Thảm tóc được bó lại thành dải để xử lý dầu rò rỉ từ phương tiện giao thông.
Gautier và chồng của cô là Patrice Gautier đã sáng lập MOT vào năm 1998 nhằm giải quyết một loạt các vấn đề về môi trường. Ba năm sau, một tàu chở dầu mắc cạn ở San Cristobal và vợ chồng nhà Gautier đã hợp tác với nhà tạo mẫu tóc Philip McCrory để hỗ trợ dọn dẹp dầu tràn.
Trước đó, vào năm 1989, McCrory đã thiết kế một thiết bị nguyên mẫu sử dụng tóc để thấm dầu. Thiết bị này được NASA thử nghiệm và hoạt động tốt. Do đó, MOT bắt tay với McCrory phát triển những chiếc phao và thảm làm từ lông, tóc.
Hàng ngày, các tiệm làm tóc, cửa hàng thú cưng và các cá nhân gửi lông, tóc đến nhà kho của MOT ở San Francisco. Các gói hàng được kiểm tra tạp chất như mảnh vụn, bụi bẩn hoặc chấy rận. Lông, tóc được tách ra và trải lên một chiếc khung rồi chạy qua một thiết bị chuyên để làm thảm.
Để làm ra một tấm thảm diện tích 0,6m2, dày khoảng 2,5cm cần khoảng 0,5kg tóc. Tấm thảm này có thể hấp thụ tới 5,6 lít dầu.
Hầu hết công tác xử lý dầu của MOT là trên đất liền hoặc các vụ tràn dầu trên bờ biển, ven biển. Tổ chức cho hay, khoảng một nửa sản phẩm của họ được mua lại bởi các tổ chức như Không quân Hoa Kỳ, các cơ quan chính phủ; một nửa còn lại được quyên góp cho các tình nguyện viên dọn dẹp của tổ chức.
Theo Gautier, MOT đã sản xuất hơn 300.000 phao thấm dầu và hơn 40.000 thảm tóc để làm sạch từ những sự cố rò rỉ nhỏ đến những sự cố tràn dầu lớn, bao gồm vụ nổ giàn khoan dầu Deepwater Horizon khiến 160 triệu gallon dầu tràn ra vùng biển Vịnh Mexico tháng 4/2010.
Lông, tóc được quyên góp đến xưởng sản xuất của MOT để làm ra những tấm thảm thấm dầu
Theo nhà sinh học môi trường Megan Murray, Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ Sydney (Úc), hiệu quả của tóc so với PP là tương đương nhau và trong một số trường hợp còn tốt hơn.
"Thảm tóc rất có hiệu quả trong việc chống tràn dầu trên cạn nhưng nếu dầu thô bị tràn lên bãi cát, rất khó để thấm dầu bằng bất kỳ vật liệu nào dù là PP hay tóc người", Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ Sydney nói.
Theo bà Murray, ưu điểm lớn nhất của thảm tóc là chi phí thấp, dễ tiếp cận nhưng không phải là một giải pháp hoàn hảo vì chỉ có thể sử dụng được một lần. Sau khi sử dụng, thảm tóc phải được xử lý bằng cách đốt hoặc ủ trong đất. Đất này sau đó không thể trồng cây thực phẩm được nữa. Hiện Murray đang nghiên cứu các phương pháp để chiết xuất dầu từ tấm thảm tóc đã qua sử dụng và tái sử dụng cả thảm lẫn dầu.
MOT hiện đang mở rộng mạng lưới đối tác tại 17 quốc gia trên toàn cầu. Các trung tâm đối tác có thể giữ một phần lợi nhuận nhỏ để triển khai những dự án lớn hơn. Vì các thiết kế không được cấp bằng sáng chế nên có nhiều tổ chức, hội nhóm khác đã bắt đầu sản xuất thảm và phao thấm dầu riêng. Mặc dù vậy, Gautier vẫn rất vui khi thấy phong trào này ngày càng lan rộng.
"Ai cũng có thể làm được thảm tóc. Nó tạo ra công ăn việc làm, làm sạch nguồn nước, giảm chất thải ở bãi rác và thúc đẩy các nguồn tài nguyên tái tạo", Gautier cho biết.