Giới khoa học phát hiện giun sống gần Chernobyl phát triển "siêu năng lực" mới
Từ ếch đen đến loài chó mới, việc phơi nhiễm hóng xạ đã khiến nhiều loài động vật sống gần Chernobyl (Ukraine) đột biến. Nhưng một nghiên cứu mới cho thấy không phải tất cả động vật trong khu vực vùng cấm Chernobyl đều phản ứng theo xu hướng này.
Ngày 26/4/1986, một lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl, Ukraine (khi đó thuộc Liên Xô) phát nổ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2005 ước tính rằng khoảng 4.000 người có thể đã tử vong do mắc các bệnh liên quan tới phóng xạ từ Chernobyl. Sau khi thảm họa hạt nhân Chernobyl xảy ra, khu vực vùng cấm rộng hơn 4.000km2 đã được thiết lập. Ngoài ra, mái vòm khổng lồ đã được đặt trên lò phản ứng thứ tư của nhà máy Chernobyl vào năm 2016.
Loài giun tại Chernobyl, Ukraine đã phát triển năng lực đặc biệt. (Ảnh: Daily Mail).
Qua một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học nhận thấy những con giun sống gần vùng thảm họa hạt nhân nổi tiếng nhất thế giới này dường như đã phát triển sức mạnh mới, đó là khả năng miễn nhiễm với bức xạ.
Tờ Independent (Anh) ngày 7/3 đưa tin, các nhà khoa học đã đến thăm Chernobyl để nghiên cứu về loài giun tròn có cấu tạo di truyền đơn giản và khả năng sinh sản nhanh chóng.
Họ thu thập giun từ các mẫu đất, trái cây thối rữa và nhiều vật liệu khác rồi kiểm tra mức độ phóng xạ tại địa phương. Các nhà khoa học sau đó mang những con giun về Đại học New York (Mỹ) để đông lạnh và nghiên cứu chúng.
Tiến sĩ Sophia Tintor tham gia nghiên cứu, chia sẻ với tờ Daily Mail: “Chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ về tác động của thảm họa đối với sinh vật địa phương. Liệu thay đổi môi trường đột ngột đã chọn lọc ra những loài, hoặc thậm chí các cá thể trong một loài, có khả năng chống lại bức xạ ion hóa tốt hơn một cách tự nhiên?”.
Sau khi thảm họa xảy ra năm 1986, động vật vẫn sinh sống ở khu vực Chernobyl bất chấp bức xạ kéo dài gần 40 năm. Các nhà nghiên cứu trước đây phát hiện ra rằng những loài động vật sống trong Vùng cấm Chernobyl có khác biệt về mặt di truyền so với loài tương tự ở nơi khác.
Giáo sư sinh học Matthew Rockman tại Đại học New York (Mỹ) bổ sung: “Những con giun này sống ở khắp mọi nơi và vòng đời ngắn, vì vậy chúng trải qua hàng chục thế hệ tiến hóa với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với loài động vật có xương sống điển hình”.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, mặc dù có bức xạ cao nhưng bộ gene của giun không hư hại. Trong khi đó, tiến sĩ Sophia Tintor đánh giá khám phá thú vị này không đồng nghĩa với Chernobyl an toàn, nhưng cho thấy giun là loài động vật kiên cường, có thể chịu được những điều kiện khắc nghiệt. 20 loài giun khác nhau về mặt di truyền đã được kiểm tra mức độ tổn hại DNA để đánh giá liệu chúng có khả năng đặc biệt trong bảo vệ và hồi phục vật liệu di truyền hay không.
Ông Rockman nhấn mạnh rằng những phát hiện này góp phần giúp chúng ta hiểu rõ hơn về biến đổi tự nhiên.