Hàng triệu vệ tinh chực chờ "bao vây", gây hỗn loạn bầu khí quyển Trái đất
Theo nghiên cứu mới, quỹ đạo tầm thấp của Trái đất vốn đã đông đúc với hàng chục nghìn vệ tinh, có thể sẽ sớm rơi vào cảnh "nghẹt thở" với nhiều vệ tinh hơn.
Theo các chuyên gia thuộc Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), trong tương lai gần sẽ có hơn 1 triệu vệ tinh đang hướng tới quỹ đạo Trái đất tầm thấp để hoạt động. Con số này gấp khoảng 115 lần so với số lượng vệ tinh chức năng hiện đang quay quanh Trái đất.
Các mảnh vụn không gian và vệ tinh đang hoạt động xung quanh Trái đất được hiển thị trong hình ảnh trực quan năm 2019. (Ảnh: ESA).
Andrew Falle, nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia, khẳng định cần sớm có các quy tắc dựa trên quy mô quốc gia và quốc tế nhằm giải quyết các thách thức bền vững liên quan tới vệ tinh.
Được biết, việc có thêm nhiều vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp sẽ dẫn đến những rủi ro va chạm, cản trở nguồn sáng, và khả năng những vệ tinh này lao xuống Trái đất.
Gần đây nhất, vào tháng 7, Aeolus - một vệ tinh đã cũ dài 1/9 mét và không còn hoạt động, đã rơi tự do xuống Trái đất trong dự tính của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).
Mặc dù khu vực vệ tinh hạ cánh hầu như không có dân cư, nhưng điều này vẫn làm dấy lên những lo ngại nếu chẳng may xảy ra một tai nạn nào đó.
Để giải quyết mối lo ngại này, ngay từ năm 2019, ITU đã đề xuất các mốc quan trọng đối với việc phóng vệ tinh, như công ty chủ quản phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu khắt khe nếu muốn đưa vệ tinh lên Trái đất.
"Phóng vệ tinh là một sự phát triển đáng hoan nghênh, nhưng cần có những hạn chế nhất định nhằm hạn chế số lượng vệ tinh thực tế hoạt động trên bầu khí quyển Trái đất", Ewan Wright, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ.
Quỹ đạo Trái đất tầm thấp, vốn dĩ vẫn là một nguồn tài nguyên hữu hạn thuộc về toàn thể nhân loại. Do vậy, mỗi tổ chức, chính phủ cần tự kiểm soát để đảm bảo còn dư địa cho những quốc gia khác.
Một đề xuất được ITU đưa ra là yêu cầu các công ty chỉ được phóng 10% số vệ tinh của họ trong vòng 2 năm kể từ ngày phóng vệ tinh đầu tiên. Sau đó, họ được phép phóng 50% số vệ tinh trong năm thứ 2, và toàn bộ số còn lại vào năm thứ 7.