Hé lộ sự thật về nơi chôn cất Tư Mã Ý: Không thể che giấu dù tìm đủ mọi kế tung hỏa mù
Ngay cả khi đã chuẩn bị hàng loạt quan tài giả, thậm chí đầu độc những người có liên quan, nơi an nghỉ của Tư Mã Ý sau cùng vẫn bị phát hiện trong một tình huống hết sức bất ngờ.
Tư Mã Ý (179 – 251), tự Trọng Đạt, là nhà chính trị, quân sự, đại thần cốt cán của nước Tào Ngụy vào thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Ông cũng được biết tới là nhân vật đặt nền móng cho việc nhà Tây Tấn thay thế nhà Ngụy và thống nhất Tam Quốc sau này.
Sinh thời, Tư Mã Ý từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như Thái phó, Thái úy, Đại Tướng quân…
Ông được đánh giá là người giỏi mưu lược, biết ẩn nhẫn, từng lập được không ít công trạng mà nổi bật trong đó chính là việc thành công chống lại chiến dịch Bắc phạt từ phía Gia Cát Lượng của nhà Thục Hán.
Bên cạnh những yếu tố kể trên, Tư Mã Ý còn được biết tới là một trong số các nhân vật lịch sử sở hữu tuổi thọ cao thuộc vào hàng bậc nhất thời bấy giờ. Ông qua đời năm 251 ở tuổi 73, khi mà hầu hết các đối thủ trước đó "mộ đã xanh cỏ".
Trong suốt một thời gian dài, việc di thể của Tư Mã Trọng Đạt được an táng tại đâu vẫn là một trong những bí ẩn chưa có lời giải của lịch sử Trung Hoa.
Đáng nói hơn, xoay quanh nơi an nghỉ của nhân vật khét tiếng Tam Quốc một thời này còn tồn tại không ít những giai thoại ly kỳ, bí ẩn.
Những giai thoại ly kỳ về đám tang và nơi chôn cất Tư Mã Ý
Nơi an táng của Tư Mã Ý tại không ít những giai thoại ly kỳ, bí ẩn. (Ảnh minh họa).
Sau khi đã thành công đặt nền móng vững chắc cho gia tộc của mình kiểm soát được triều đình nhà Ngụy, Tư Mã Ý qua đời vào ngày 7 tháng 9 năm 251, hưởng thọ 73 tuổi.
Vốn là một người cẩn trọng có tiếng, nhân vật này năm xưa từ sớm đã cân nhắc tới việc tìm nơi an táng cho bản thân khi đã ở tuổi gần đất xa trời.
Bởi vì cả đời từng đắc tội với vô số người, Tư Mã Trọng Đạt càng thận trọng hơn ai hết trong việc chọn nơi chôn cất để tránh rơi vào cảnh bị kẻ địch hủy thi diệt tích.
Tương truyền rằng, Tư Mã Ý năm xưa từng dặn dò con cháu 3 việc khi an táng mình:
- Thứ nhất, không được phép lập bia ở trước phần mộ.
- Thứ hai, không được phép trồng cây xung quanh mộ địa.
- Thứ ba, tuyệt đối không được chôn theo bất kỳ tài sản nào.
Về đám tang của vị quyền thần này, có giai thoại còn truyền lại rằng vào ngày hạ táng Tư Mã Ý, hậu duệ của ông đã bố trí nhiều quan tài cùng lúc để "tung hỏa mù".
Điểm đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, giai thoại này khẳng định những người khiêng quan tài trước đó đều bị ép phải uống thuốc độc nhằm mục đích đảm bảo tính bí mật tuyệt đối về nơi hạ huyệt chôn cất.
Vì vậy, những người ngoài gia tộc Tư Mã đều không thể xác định được rằng rốt cục di hài Tư Mã Ý nằm trong chiếc quan tài nào và được chôn cất ở nơi đâu.
Chưa dừng lại ở đó, tương truyền rằng hậu duệ nhà Tư Mã còn kín đáo tới nỗi không bao giờ tìm đến mộ phần để cúng bái mà chỉ tiến hành thắp nhang, tế lễ tại từ đường chung của gia tộc.
Cũng bởi vậy mà tung tích về nơi chôn cất Tư Mã Ý đã trở thành một bí ẩn lịch sử không lời giải đáp trong suốt hàng thế kỷ.
Hé lộ sự thật về nơi an táng di thể của Tư Mã Trọng Đạt
Mô của Tư Mã Ý vô tình được tìm ra bởi một người nông dân lớn tuổi. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Theo ghi chép của một số tài liệu dã sử, đã từng có không ít người cất công tìm kiếm nơi an nghỉ của Tư Mã Ý vì nhiều mục đích khác nhau.
Trong số đó, có một vị quan thất phẩm thời nhà Thanh từng vì ái mộ nhân vật này nên đã dành không ít tâm sức để tìm kiếm tung tích lăng mộ.
Người này sau đó tin rằng nơi có khả năng an táng di thể của Tư Mã Ý nhất là một tòa lăng tẩm mang tên "Thanh Thái Trủng".
Kể từ khi tìm ra nơi đó, vị quan thất phẩm kia năm lần bảy lượt mang đủ mọi tế phẩm tới đây để thắp hương, bái tế.
Lâu dần, nhiều người cũng tin rằng nơi đây thực sự là phần mộ của Tư Mã Ý, "Thanh Thái Trủng" nhờ vậy mà được hưởng hương khói, cúng bái không ngừng trong gần trăm năm.
Thế nhưng tới thời điểm nhân viên khai quật tới đây làm việc, sự thật về lăng mộ được cho là của Tư Mã Ý mới chính thức được hé lộ.
Kết quả khai quật cho thấy lăng mộ này thực chất đã bị mộ tặc trộm qua rất nhiều lần, hơn nữa chủ nhân thực sự của nơi đây vốn là một vị vương gia sống vào thời Nam Bắc triều chứ hoàn toàn không phải là Tư Mã Trọng Đạt.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, ngôi mộ thực của Tư Mã Ý được tìm thấy ở một ngọn núi thuộc Thủ Dương, Hà Nam (Trung Quốc) ngày nay.
Theo đó, người tìm ra nơi chôn cất nhân vật lịch sử lừng danh này lại là một nông dân lớn tuổi. Khi đang làm việc trên mảnh ruộng của gia đình mình, ông đã vô tình đào ra một tấm bia đá được điêu khắc tinh xảo, phía dưới tấm bia chính là mộ của Tư Mã Ý.
Cho tới ngày nay, việc ai đã làm trái lời căn dặn năm xưa và cố tình lập bia tại nơi chôn cất của nhân vật lịch sử này vẫn là một điều bí ẩn.
Thế nhưng đúng như câu nói "người tính không bằng trời tính", Tư Mã Ý có lẽ cũng không thể ngờ rằng trải qua hơn một ngàn năm, người có thể phá giải câu đố hóc búa về ngôi mộ của ông lại là một người nông dân rất đỗi bình thường.
- Loài khuyển được thuần hóa lâu đời nhất thế giới
- Vì sao Nikola Tesla là một nhà khoa học bá đạo?
- Địa động nghi - thiết bị phát hiện động đất đầu tiên trên thế giới?