Vì sao Nikola Tesla là một nhà khoa học bá đạo?

Ngày nay, cái tên Nikola Tesla được nhiều người biết đến qua những bộ phim hay luôn gắn liền với những chiếc xe điện của Elon Musk. Nhưng vào thế kỷ 20, Nikola Tesla là một nhà khoa học nổi tiếng với sự đam mê khoa học và đầu óc lập dị, ông còn là một người đi đầu về mặt tư tưởng. Ông là người đi tiên phong trong sử dụng động cơ điện không đồng bộ, dòng điện xoay chiều và có hàng trăm bằng sáng chế.

Tháng này, một bộ phim về cuộc đời ông có tên Tesla sẽ được công chiếu với sự tham gia của ngôi sao Ethan Hawke. Suy nghĩ của Tesla đã đi trước thời đại của ông rất xa và ông đã đóng góp nhiều sản phẩm hữu hình khiến người ta ngỡ ngàng cho xã hội hiện đại. Ở thời đại đó, không nhiều người biết đến tham vọng của ông. Nikola Tesla đã có hàng trăm cuộc trò chuyện mà người ta cho là khoác lác, viễn vông. Nhưng nhiều nội dung trong đó đã truyền cảm hứng cho đời sau và biến ý tưởng của ông thành hiện thực.

Vì sao Nikola Tesla là một nhà khoa học bá đạo?
Nikola Tesla. (Ảnh: Getty Images).

1. Ông đã phát minh ra tiền thân của máy bay không người lái

Năm 1898, trước Thế chiến thứ nhất khoảng một thập kỷ, Tesla đã phát minh ra chiếc thuyền điều khiển từ xa và công bố nó trước toàn bộ thành phố New York. Con thuyền nhỏ này hoạt động dựa trên sóng vô tuyến truyền qua lại giữa ăng-ten trên thuyền và bộ điều khiển. Con thuyền được trang bị một bộ "coherer"  không dây, là một dạng máy phát hiện sóng vô tuyến có thể chuyển đổi tín hiệu vô tuyến thành chuyển động cơ học. Buổi giới thiệu đã thu hút được rất nhiều sự hiếu kỳ của công chúng. Tiến sĩ Ljubo Vujovic, chủ tịch Hiệp hội Tưởng niệm Tesla ở New York, cho rằng đây là sự kiện "khai sinh ra robot".

Vì sao Nikola Tesla là một nhà khoa học bá đạo?
Bằng sáng chế thuyền điều khiển từ xa của Tesla. (Ảnh: US Trademark and Patent Office).

Trớ trêu thay, Tesla đã tin rằng những chiếc thuyền điều khiển từ xa của ông sẽ góp phần bảo vệ hòa bình thế giới. Trong suy nghĩ của ông, những chiếc thuyền điều khiển từ xa đỗ tại cảng quốc tế sẽ ngăn hải quân các nước tấn công nhau. "Chiến tranh sẽ không còn khả năng xảy ra khi mai đây, cả thế giới biết rằng ngay cả một nước yếu nhất cũng có thể ngay lập tức tự sản xuất vũ khí giúp bảo vệ bờ biển và cảng của họ bất khả xâm phạm trước những cuộc tấn công của các đội quân thống trị trên toàn thế giới", Tesla bày tỏ quan điểm trên tờ New York Herald. "Tôi muốn được biết đến là một nhà phát minh đã xóa bỏ chiến tranh".

Vì sao Nikola Tesla là một nhà khoa học bá đạo?
Bằng sáng chế thuyền điều khiển từ xa của Tesla. (Ảnh: US Trademark and Patent Office).

Mặc dù đã nỗ lực hết mình, những ước mơ của Tesla đã không thành hiện thực. Thực tế, những thiết bị điều khiển từ xa đang được sử dụng rộng rãi trong chiến tranh. Dù vậy, những phát minh của ông cũng có những ứng dụng nhất định trong đời sống. Ví dụ như thiết bị bay không người lái cá nhân đã trở thành một sản phẩm được sử dụng phổ biến trong cuộc sống. Vì vậy, nếu xét theo khía cạnh nào đó thì ước muốn của Tesla trong việc đi tiên phong cho một thế giới an toàn hơn đang trở thành hiện thực.

2. Ông đã đưa ra lý thuyết về chiếc máy ảnh chụp suy nghĩ

Những chiếc máy ảnh Kodak được bán ra từ năm 1888 nhưng Tesla vẫn ám ảnh với một chiếc máy ảnh có thể ghi lại suy nghĩ của con người.

Đầu những năm 1930, ông tuyên bố "Tôi trông chờ có thể chụp ảnh suy nghĩ… Năm 1893… Tôi tin rằng một hình ảnh xác định hình thành trong suy nghĩ sẽ phải được phản ánh qua hành động, tạo nên một hình ảnh tương ứng trên võng mạc và chúng có thể đọc được bởi một cỗ máy". Tesla đã tạo nên một thứ ông tự đặt tên là "võng mạc nhân tạo", nó có thể ghi nhận hình ảnh suy nghĩ của một người, cụ thể là hình ảnh suy nghĩ thông qua mắt của bạn và tái tạo lại nó trong thế giới vật chất.

Sóng vô tuyến được sử dụng rộng rãi từ cuối thế kỷ 19 (X-ray được khám phá ra vào năm 1895) đã thúc đẩy tham vọng của Tesla về một chiếc máy ảnh chụp lại suy nghĩ. Năm 1899, Tesla lập luận rằng "Hiện nay, sóng âm từ giọng nói con người đã có thể truyền tải đi xa hàng trăm dặm bằng những chiếc điện thoại sau khi chúng được xử lý bằng bộ truyền phát. Vì vậy, các thí nghiệm của tôi đã chứng minh rằng sóng ánh sáng từ cơ thể con người cũng có thể truyền tải hàng trăm dặm thông qua một loại điện thoại khác. Tất cả những gì chúng ta cần là một loại máy truyền phát mới".

Cuối cùng suy nghĩ của Tesla đã được chứng minh là đúng, nhưng không phải theo cách mà ông dự đoán trước. Chúng ta không thể chụp ảnh lại suy nghĩ nhưng "một loại điện thoại khác"  mà Tesla nhắc đến đã xuất hiện vào năm 1927 khi Philo Taulor Farnsworth chế tạo ra tivi.

3. Ông đã tạo ra tia tử thần

Vào sinh nhật lần thứ 78, Tesla đã tiết lộ ý tưởng về một vũ khí cực mạnh mà ông gọi là Teleforce. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times năm 1934, Tesla tưởng tượng rằng nó là một loại vũ khí vô thanh, có tầm xa "tương đương với khoảng cách mà một kính viễn vọng có thể nhìn thấy vật thể trên mặt đất và trong phạm vi cho phép của độ cong bề mặt Trái Đất", nó có thể ngay lập tức tiêu diệt hàng triệu người.

Đó là một vũ khí đáng sợ nhưng Tesla không nói quá nhiều về cách Teleforce hoạt động, ông chỉ cho biết rằng nó liên quan đến "một phương pháp mới tạo ra một lực đẩy điện từ cực lớn"  với 50,000,000V (trong khi một tia sét chỉ khoảng 300,000V).

Ý tưởng xuất hiện khi ông đang xử lý những ống điện cực âm. Một bài viết trên tờ New York Herald Tribune mô tả đôi khi có một hạt rời khỏi cực âm và va vào Tesla. "Ông cho biết mình có thể cảm thấy một cơn nhói đau khi nó đi vào cơ thể và có cảm giác tương tự tại nơi nó đi ra". Tesla đã suy nghĩ về việc sử dụng những hạt này như một viên đạn.

Vì sao Nikola Tesla là một nhà khoa học bá đạo?
Tesla và thiết bị phát sóng khổng lồ của ông tại phòng thí nghiệm Colorado Springs năm 1899. (Ảnh: Getty Images).

Teleforce chưa từng được phát triển trên thực tế ngoài những phỏng đoán, nhưng Tesla vẫn yêu cầu công chúng ngừng gọi nó là tia tử thần, cái tên này rất phổ biến ở thời điểm đó (lấy cảm hứng từ chùm tia chết người của người ngoài hành tinh trong bộ phim The War of the Worlds). Tuy nhiên, cái Tesla lo ngại không nằm ở phần "tử thần", mà ông khẳng định phát minh của ông không sử dụng "tia". "Dùng ‘tia' là không phù hợp vì chúng không thể tổng hợp theo số lượng và cường độ của tia suy giảm nhanh chóng theo khoảng cách".

Cũng giống với con thuyền điều khiển từ xa, Tesla hi vọng rằng Teleforce sẽ ngăn chặn chiến tranh toàn cầu nổ ra, nó như một Vạn lý Trường thành của Trung Quốc vậy. Ngay cả trong giả thiết, Teleforce cũng không thể đảm bảo được ước muốn này. Tháng 5/2020, hải quân Mỹ đã thử nghiệm một hệ thống vũ khí có tên Solid State Laser Weapons System Demonstrator, loại vũ khí này hoạt động dựa trên một số nguyên lý giống với Teleforce. Trung úy Cale Hughes trả lời CNN rằng hệ thống vũ khí này bắn "một lượng lớn hạt photon vào mục tiêu"  mà không bị tác động bởi gió hay khoảng cách. "Chúng có thể tiếp cận mục tiêu với vận tốc ánh sáng", Hughes nói. Rõ rằng, Tesla đã đánh giá thấp sự cuộc chạy đua khí tài quân sự giữa các nước.

4. Ông có thể đã tạo ra một máy động đất

Năm 1893, Tesla giới thiệu một "bộ dao động cơ học", một cỗ máy có thể tạo ra năng lượng từ hơi nước hoặc khí đốt thông qua dao động. Nói đơn giản hơn, ông đã tạo ra một cỗ máy động đất. Và nó có thể bỏ vừa trong túi quần của ông.

Vì sao Nikola Tesla là một nhà khoa học bá đạo?
Bằng sáng chế máy động đất của Tesla. (Ảnh: US Trademark and Patent Office).

Tesla chưa từng giới thiệu thiết bị này trước công chúng, dù ông cho rằng mình đã làm. Năm 1912, ông nói với tạp chí The World To-Day rằng nhiều năm trước, ông đã đến phố Wall với thiết bị này và gắn nó vào dầm của một tòa nhà đang xây. "Chỉ trong vài phút, tôi có thể cảm nhận những đợt rung. Dần dần, cường độ của những đợt rung càng mạnh hơn và lan ra toàn bộ khối thép lớn". Tesla cho biết tòa nhà bắt đầu phát ra tiếng kêu và những người công nhân bỏ chạy tán loạn do sợ động đất xảy ra. Từ những gì "đã thấy", ông dự đoán rằng mình có thể "ném cả cây cầu Brooklyn xuống sông Đông chỉ trong chưa đầy một giờ".

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Tesla ước tính thiết bị của ông còn có thể tách Trái Đất ra làm đôi. Nếu ông đồng bộ bộ dao động của mình với "sự co dãn"  của hành tinh này, vỏ Trái Đất "sẽ trồi lên và sụt xuống hàng trăm thước, đẩy những thứ dưới lòng sông lên bờ, phá hủy các toàn nhà và hủy diệt toàn bộ nhân loại". Tesla đã đúng về sự dao động của hành tinh, Trái Đất luôn dao động với tần số từ 2,9mHz đến 4,5mHz (dù khoa học vẫn chưa thể lý giải nguyên nhân). Nhưng ông chưa bao giờ chứng minh sự tồn tại của bộ dao động cơ học mà ông nhắc đến, dường như tổ tiên của chúng ta đã tránh khỏi thí nghiệm thảm khốc này.

5. Cuộn dây Tesla vẫn đang định hình sự phát triển hiện đại

Cuộn dây Tesla có nhiều công dụng hơn là thêm hiệu ứng vào những bộ phim khoa học viễn tưởng. Tesla sử dụng thiết bị này để thực hiện thí nghiệm truyền tải năng lượng giữa các vật thể, và những màn trình diễn này đã khiến những người cùng thời ông trầm trồ. Ông còn tạo ra những thiết bị như đèn điện không dây, động cơ chỉ chạy một dây và thứ được những nhà sử học gọi là "màn lửa điện".

Đó là những ví dụ đầu tiên về hiện tượng cộng hưởng. Trong đó, từ trường giữa các ăng-ten giúp truyền năng lượng từ cái này sang cái kia. Ngày nay chúng ta có thể thấy chúng xuất hiện trong các bộ sạc không dây, dù công nghệ chủ chốt của những thiết bị này thuộc công nghệ tiên tiến hơn. Công ty năng lượng không dây WiTricity đang sử dụng hiện tượng cộng hưởng để mở rộng quá trình sạc xe điện "không phích cắm"  và triển khai "sạc không dây trực tiếp cho những thiết bị y tế cấy ghép", như máy tạo nhịp tim chẳng hạn. Những thiết bị này được tạo ra từ ý tưởng tuyệt vời của Tesla, chỉ là chúng thiếu những tia lửa điện mà thôi.

6. Ông đã nghĩ về World Wide Web

Nikola Tesla đã nắm chắc khái niệm về internet hàng thập kỷ trước khi nó trở thành hiện thực. Năm 1900, ông đã viết một tập tài liệu hứa hẹn "khả năng truyền tải không dây tức thời bất cứ dạng tín hiệu, thông điệp, ký tự đến mọi nơi trên thế giới". Không lâu sau đó, Tesla còn đưa ra một thiết kế mà ông gọi là "hệ thống không dây toàn cầu"  với khả năng sử dụng chính Trái Đất để truyền thông tin. Tất nhiên là mọi nỗ lực của ông đều thất bại.

Vì sao Nikola Tesla là một nhà khoa học bá đạo?
Nikola Tesla, ảnh chụp năm 1896. (Ảnh: Getty Images).

Nhưng khả năng truyền dẫn không dây vẫn tiếp tục ám ảnh Tesla. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1926, ông cho rằng "Khi có một hệ thống không dây hoàn hảo, toàn bộ Trái Đất sẽ trở thành một bộ não khổng lồ… Chúng ta có thể liên lạc với nhau ngay lập tức, bất kể khoảng cách". Những khát vọng của ông chính xác là internet ngày nay, internet cho phép chúng ta thực hiện những điều mà Tesla đã nghĩ ra gần một thế kỉ trước. Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, Tesla còn cho rằng trong tương lai, "chúng ta sẽ có thể mang theo điện thoại trong túi áo vest". Và một lần nữa, nó lại đúng.

7. Tesla tin rằng ông đã nhận được tín hiệu từ sao Hỏa

Năm 1899, Tesla đến Colorado Springs để thí nghiệm về truyền dẫn năng lượng không dây và nghiên cứu bão điện từ (được ghi lại trong cuốn The Prestige của Christopher Nolan). Tesla đã sử dụng một loạt máy thu phát sóng để ghi lại sóng vô tuyến VLF (có tần số rất thấp) từ những cơn bão. Ông hi vọng nghiên cứu có thể chứng minh rằng cả năng lượng và thông tin đều có thể truyền qua không khí.

Nhưng những thí nghiệm của ông lại có thêm một kết quả khác. Tại Colorado, Tesla tin rằng ông đã bắt được những tín hiệu từ Sao Hỏa và ông đưa ra tuyên bố này sau đó vài thập kỉ. Năm 1922, ông tuyên bố "Tôi đã thu được những bằng chứng phi thường từ thực nghiệm chứng minh cho sự tồn tại sự sống trên Sao Hỏa… Một thiết bị thu sóng không dây siêu nhạy, vượt xa mọi thứ đã biết… Tôi đã bắt được những tin hiệu mà tôi cho nó có nghĩa là 1-2-3-4. Tôi tin rằng người Sao Hỏa sử dụng những con số để giao tiếp vì chúng phổ biến trên toàn vũ trụ".

Nhiều người hoài nghi những tuyên bố của ông nhưng Tesla không bao giờ sợ nổi trội trong việc trình bày giả thuyết của mình. Ông đã viết trong cuốn tự truyện của mình rằng "Vì thế, chắc chắn chúng ta có thể gửi thông điện đến một hành tinh khác. Câu trả lời mà chúng ta có thể nhận được là: Loài người không phải giống loài duy nhất được ban cho món quà vô hạn, đó là trí tuệ".

Loading...
TIN CŨ HƠN
Vì sao kẻ lạ không có cơ hội đột nhập vào Tử Cấm Thành?

Vì sao kẻ lạ không có cơ hội đột nhập vào Tử Cấm Thành?

Dưới thời phong kiến, Tử Cấm Thành không chỉ được bảo vệ bằng đội thị vệ mà còn có một "hệ thống chuông báo động" đặc biệt.

Đăng ngày: 24/10/2020
Tại sao phòng quan trắc thiên văn thường có mái tròn?

Tại sao phòng quan trắc thiên văn thường có mái tròn?

Đài thiên văn là những công trình trọng yếu trong nghiên cứu thiên văn học, vậy tại sao các đài thiên văn thường có mái tròn?

Đăng ngày: 24/10/2020
Vì sao truy tìm bệnh nhân số 0 trong đại dịch lại quan trọng?

Vì sao truy tìm bệnh nhân số 0 trong đại dịch lại quan trọng?

Cách nói “bệnh nhân số 0” bắt nguồn từ đại dịch HIV ở Mỹ. Vào đầu năm 1982, có nhiều báo cáo về mối liên quan tình dục giữa một số người nam đồng tính mắc AIDS ở Los Angeles, Mỹ.

Đăng ngày: 24/10/2020
Vì sao tỷ phú giàu nhất thế giới chế tạo

Vì sao tỷ phú giàu nhất thế giới chế tạo "siêu đồng hồ" 10.000 năm tuổi?

Tỷ phú Jeff Bezos quyết định chi 42 triệu USD để chế tạo chiếc đồng hồ có tuổi thọ lên tới 10.000 năm bên trong một ngọn núi ở Texas.

Đăng ngày: 24/10/2020
Vì sao một số nam giới đi đại tiện lâu hơn?

Vì sao một số nam giới đi đại tiện lâu hơn?

Vì sao một số đàn ông lại đi đại tiện lâu đến thế và liệu có nguyên nhân khoa học nào hay không?

Đăng ngày: 24/10/2020
Vì sao phóng tàu vũ trụ phải dùng tên lửa nhiều tầng?

Vì sao phóng tàu vũ trụ phải dùng tên lửa nhiều tầng?

Các con tàu lên mặt trăng cần có tốc độ 11,2 km/s, còn muốn bay tới các hành tinh khác tốc độ phải lớn hơn nữa. Làm thế nào để đạt tốc độ đó? Chỉ có tên lửa đẩy mới đảm đương nổi việc này.

Đăng ngày: 24/10/2020
Vì sao sau khi xây xong đập Tam Hiệp, Trung Quốc phải thả vào 10.000 con cá?

Vì sao sau khi xây xong đập Tam Hiệp, Trung Quốc phải thả vào 10.000 con cá?

Đập Tam Hiệp nằm ở Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc là đập thủy điện lớn nhất thế giới, mang lại khả năng kiểm soát lũ hằng năm trên sông Dương Tử và nguồn lợi kinh tế lớn cho Trung Quốc.

Đăng ngày: 24/10/2020
Tiêu điểm
Khoa Học News