Hiện tượng "giọt lạnh" gây thảm họa lũ quét 28 năm trước
Trận lũ quét khiến ít nhất 95 người thiệt mạng ở vùng Valencia năm 1996 là kết quả của biến đổi khí hậu, đất khô cứng sau mùa hè và hiện tượng cold drop (giọt lạnh).
Đợt lũ quét chết chóc nhất ở Tây Ban Nha từ năm 1996, đặt ra câu hỏi về mức độ phòng chống lũ cần thiết để đối phó với những trận mưa lớn hàng năm vào mùa thu ở vùng Valencia, theo Telegraph.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mắc kẹt trong đống đổ nát sau lũ ở Letur, tỉnh Albacete. (Ảnh: Manu/PA-EFE).
Mưa to như trút nước vào mùa thu dọc theo vùng ven biển Địa Trung Hải của Tây Ban Nha do hiện tượng "cold drop" gây ra. Hiện tượng này xảy ra khi không khí ấm ẩm ướt ở Địa Trung Hải gặp luồng khí lạnh đột ngột từ phương bắc, gây mưa lớn cục bộ.
Valencia nằm ở ven biển và đặc biệt có nguy cơ gặp áp thấp ở độ cao lớn vào mùa thu do biển Địa Trung Hải vẫn còn ấm. Hiện tượng như vậy không mới nhưng đang trở nên ngày càng cực đoan do biến đổi khí hậu mà con người gây ra. Tình trạng ấm lên toàn cầu do khí nhà kính giữ nhiệt giúp cung cấp thêm năng lượng cho bão. Điều đó có nghĩa khi bão xuất hiện, nó sẽ giải phóng sức mạnh lớn hơn.
Cường độ mưa tăng gấp 4 lần trong 50 năm qua ở Tây Ban Nha, theo nghiên cứu gần đây của Đại học Bách khoa Catalonia, cho thấy mưa lớn và nặng hạt gia tăng. Ngưỡng mưa lớn là lượng mưa 60mm. Trong đợt không khí lạnh này, lượng mưa vào khoảng 200mm và lên tới 400mm ở một số khu vực như thị trấn Utiel tại vùng Valencia.
Cold drop cực khó dự đoán. Mưa nặng hạt không phải luôn gây ra lũ quét nhưng Valencia rất dễ bị ảnh hưởng. Lũ quét có khả năng xảy ra cao hơn vì sau mùa hè, đất ở Tây Ban Nha có thể khô cứng và không thấm hút nước. Khi xảy ra mưa lớn đột ngột, nước đọng trên mặt đất, khiến nguy cơ lũ quét thêm trầm trọng. Đồng thời, những con sông ở Tây Ban Nha, đặc biệt là lưu vực Địa Trung Hải, khá ngắn và dốc với bãi bồi hẹp. Lòng sông và lòng suối đầy lên nhanh chóng, tạo ra mối đe dọa đối với cộng đồng gần đó. Quá trình đô thị hóa vùng lũ cũng làm giảm khả năng thấm hút tự nhiên do đất bị thay thế bằng bê tông. Hệ thống cống rãnh ở Valencia không được thiết kế để xử lý mưa lớn dữ dội. Bất chấp nỗ lực hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, khu vực vẫn dễ xảy ra lũ quét. Dữ liệu nghiên cứu chỉ ra nhiều thảm họa tương tự sẽ xảy ra thường xuyên hơn với sức mạnh lớn hơn trong tương lai.